Ngày hội đọc sách và văn hóa đọc – khơi nguồn đổi mới sáng tạo phục vụ Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gồm các sự kiện: Lễ phát động phong trào đọc sách, nâng cao văn hóa đọc, văn hóa làm việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; lễ khai trương không gian đọc số Thư viện Khoa học công nghệ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tọa đàm với chủ đề: “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”, "Sách cho bạn, cho tôi", "Sách với nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Phát biểu khai mạc tại Lễ phát động phong trào đọc sách, nâng cao văn hóa đọc, văn hóa làm việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành NN&PTNT vào chiều ngày 21/4, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Thế giới đang thay đổi nhanh đến mức cái mới ra đời chưa kịp định hình, thì lại có cái mới hơn xuất hiện. Nền nông nghiệp nước nhà đã có những phát triển vượt bậc thời gian qua. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn khoảng cách đáng kể so với các nước phát triển. Những mô hình nông nghiệp tích hợp đa giá trị dựa trên đổi mới sáng tạo đặt ra yêu cầu cập nhật, điều chỉnh liên tục cho những mô hình nông nghiệp truyền thống đã quen thuộc.

Bộ trưởng cho rằng, muốn theo kịp và bứt phá, thì chúng ta phải vượt lên chính mình. Muốn vượt lên chính mình, chúng ta phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, nhất là xây dựng thái độ tích cực trong cuộc sống và trong công việc. Những điều ấy luôn có trong những trang sách. Muốn vượt lên chính mình, chúng ta phải biết chung sống cùng nhau, làm việc cùng nhau. Những điều ấy cũng đều có thể tìm được khi lật giở từng trang sách. Muốn vượt lên chính mình, chúng ta phải hiểu chiều sâu giá trị công việc mình làm, phải vững vàng niềm tin "không gì là không thể". Những điều ấy đều có thể tìm được từ những con chữ trong sách.

Bộ trưởng mong muốn, mỗi người hãy làm điều gì đó nhỏ nhất để khơi dậy, truyền cảm hứng cùng hình thành những cộng đồng đam mê đọc sách để khơi nguồn đổi mới sáng tạo. Sau lễ phát động, Bộ NN-PTNT tổ chức tọa đàm "Sách: Nhận thức, đổi mới và sáng tạo" với sự tham dự của các diễn giả gồm Bộ trưởng Lê Minh Hoan, TS. Giản Tư Trung – Chủ tịch sáng tạo Học viện quản lý PACE, Hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE; TS. Phạm Hữu Lợi – Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, TS. Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa &Thể thao và Du lịch. Trước đó, sáng 21/4, vòng thi hùng biện, thuyết trình (vòng 2) với chủ đề “Mở sách - Mở thế giới” của cuộc thi "Đọc sách để thay đổi" đã được tổ chức tại Bộ NN-PTNT với sự tham gia của các đoàn viên thanh niên, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Sang ngày 22/4, các diễn giả Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam và GS.TS Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ chủ trì buổi chia sẻ: “Sách cho bạn, cho tôi” với chủ đề: Sách với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ làm diễn giả trong chương trình chia sẻ “Thiếu nhi đọc sách cùng Xích Lô” và chia sẻ “Đọc sách trong thời kỳ kỹ thuật số” của diễn giả Nguyễn Quốc Vương. Cuối cùng, trong ngày 23/4, sẽ là không gian dành cho trẻ em và gia đình do Công đoàn cơ quan Bộ tổ chức, với các hoạt động như: hướng dẫn đọc sách trong gia đình; trưng bày tranh thiếu nhi; giới thiệu “Tủ sách Bách khoa thư hiện đại cho mọi gia đình”; nói chuyện chuyên đề “Learning how to learn - Học cách học” và “Kỹ năng học tập thành công theo phương pháp của Giáo sư Babara Oakley”; và tuyên truyền về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thông qua các hoạt động này, Bộ NN&PTNT muốn khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên, học viên các trường thuộc Bộ, để nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo; khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, tri thức theo hướng đa dạng, phong phú, phù hợp với phương thức truyền thống và xu hướng hiện đại của xuất bản điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động thư viện; kết nối, chia sẻ, giới thiệu, lan tỏa và phát huy, tạo ra giá trị mới của sách, của văn hóa đọc tại các cơ quan, đơn vị, trường học một cách hiệu quả, thiết thực.