Điều kiện lao động và đời sống của đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam
09/12/2014
Về trình độ học vấn
Theo khảo sát, gần 60% số người được hỏi có trình độ trung học cơ sở (cấp hai) trong khi trình độ trung học phổ thông có tỷ lệ thấp nhất, 14.5%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay số ngư dân mù chữ hoặc không học hết cấp 1 là có, thậm chí ở một số địa phương như phản ánh của Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận có nhiều ngư dân không biết chữ, nhưng không được phản ánh trong điều tra hoặc không là đối tượng của điều tra. Do vậy, đây là một thiếu sót của đề tài này.
Về trình độ tay nghề
Nói chung đa số ngư dân không được đào tạo bài bản theo trường lớp (có chứng chỉ) về công việc họ đang làm mà vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm (27,7%) hoặc được đào tạo ngắn hạn không chính thức (18,9%) trong khi có đến 41% chưa được đào tạo nghề. Số ít (12,4%) được đào tạo nghề dài hạn và cấp chứng chỉ chủ yếu là chủ tàu, thuyền trưởng và thợ máy.
Về việc làm và thời gian làm việc
Đa số ngư dân - đoàn viên nghiệp đoàn đang tham gia đánh bắt xa bờ (79,5%), số nhỏ còn lại là lao động đánh bắt gần bờ (19,1%) và hậu cần, sửa chữa trên bờ (1,4%). Thời gian làm việc là rất khác nhau giữa những người ngư dân và thuyền đánh cá. Số giờ làm việc trong ngày phản ánh người lao động phải làm việc theo luồng cá và thời gian khai thác trong khi số ngày làm việc trong tháng và trong năm phản ánh tình trạng có đủ hay thiếu việc làm hay không.
Bảng trên cho thấy, 84% ngư dân phải làm việc trên 8h/ ngày, trong đó 20% là làm việc từ 13-15h/ ngày và 12,6% làm việc 12h/ngày. Số ít làm dưới 8h/ngày chỉ chiếm 2,6%. Về số ngày làm việc trong tháng, 56,4% số người được hỏi làm việc từ 20-25 ngày/tháng và 35,6% làm việc từ 26-30 ngày/tháng, chỉ 5% ngư dân làm việc dưới 20 ngày/tháng. Nếu tính cả số ngày để ra ngư trường đối với đánh bắt xa bờ thì số ngày làm việc thực tế trong tháng của ngư dân sẽ cao hơn. Như vậy, tính theo số ngày làm việc trong tháng thì đa số ngư dân đang làm việc đủ tháng và không phân định rõ ngày nào trong tháng là ngày nghỉ. Về số tháng làm việc trong năm, đa số không làm đủ 12 tháng/năm mà dao động từ 8-10 tháng. Cụ thể: 35,7% làm 9 tháng; 19,3% làm đủ 8 tháng; 32,2% làm 10 tháng. Như vậy, đa số ngư dân sẽ không có việc làm, đồng nghĩa không có thu nhập, trong 2 tháng còn lại.
Về Hợp đồng lao động
Trên 2/3 lao động không được ký hợp đồng. Số được ký hợp đồng lao động đạt 31,5% nhưng tỷ lệ ký hợp đồng từ 12 tháng trở lên là rất ít (1,1%). Đa số ngư dân có hợp đồng chỉ được ký ngắn hạn phản ánh tính vụ mùa của nghề đánh bắt thủy sản.
Bảng trên cho thấy, trong số ngư dân được ký hợp đồng thì 58.4% ngư dân có hợp đồng lao động 10 tháng và 39.5% ngư dân có hợp đồng 6 tháng. Nếu tính theo tỷ lệ trên tổng số ngư dân được khảo sát thì tỷ lệ này sẽ thấp hơn nhiều.
Các chế độ bảo hiểm
Nhiều ngư dân hiện nay mới quan tâm đến loại hình bảo hiểm tai nạn do tính rủi ro cao trong quá trình đánh bắt trên biển trong số ít còn lại tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Do vậy, tương ứng với số người được khám sức khỏe hàng năm là 33,1% trong khi số còn lại không khám sức khỏe định kỳ hoặc hàng năm.
Điều kiện làm việc
Môi trường làm việc vất vả, thời tiết khắc nghiệt, diện tích chật hẹp, trang thiết bị thiếu thốn và không hiện đại,... trong thời gian vài tháng đối với đánh bắt xa bờ cộng với rủi ro tai nạn, thiếu thuốc men và dụng cụ sơ cứu trên thuyền đã khiến 58% ngư dân cho rằng công việc của họ luôn tiềm ẩn rủi ro và nguy hiểm hơn so với các nghề khác. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin phục vụ cho khai thác, đánh bắt như thời tiết, giá cả đầu vào, ngư trường,... cũng ảnh hưởng đến mỗi chuyến ra khơi thành công của ngư dân. Tuy nhiên, cũng phải xét đến ý thức của người lao động khi tàu thuyền được trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu nạn hay bảo hộ lao động (áo phao, găng tay,...) nhưng có đến53,5% ngư dân cho rằng chỉ dùng bảo hộ lao động để ứng phó với những quy định an toàn khi ra khơi của Nhà nước bởi họ không thấy thoải mái, vướng víu và nóng khi phải mặc áo phao hay đồ bảo hộ.
Thu nhập và điều kiện sống của ngư dân
Mặc dù thời gian làm việc không kể giờ giấc và không phân định rõ ngày nghỉ song thu nhập của ngư dân rất thấp và bấp bênh căn cứ vào khoán sản lượng khai thác (2,3%), theo từng chuyến đi (23,5%), theo hình thức công nhật (7%) hoặc phân chia lợi nhuận sau mỗi chuyến đi (67,2%). Nếu chuyến đi có lãi thì ngư dân được chia lãi, nếu không đủ chi thì coi như chuyến đi đấy chủ thuyền và bạn thuyền không có công. Tỷ lệ ăn chia giữa chủ thuyền và người làm công, bạn thuyền sau khi trừ đi chi phí cho chuyến đi sẽ được chia theo tỷ lệ 50-50, 55-45, hoặc 60-40. Điều kiện làm việc rủi ro cao cộng với thu nhập bấp bênh khiến nghề đi biển không thu hút được lao động và khiến thiếu hụt lao động tại một số địa phương.
Theo khảo sát, thu nhập bình quân của lao động nghề cá phần lớn là thấp dao động từ 2-5 triệu đồng/người/tháng trong khi đó nhiều gia đình trông chờ vào nguồn thu nhập bấp bênh này vì đó là nguồn duy nhất.
Do điều kiện sống và làm việc khó khăn nên 83% hộ gia đình trong khảo sát có nhà ở bán kiên cố (mái ngói, tôn, ...) thường bị thiệt hại trong các cơn bão. Cá biệt có 3,1% số hộ gia đình không có nhà ở mà phải ở trên tàu hoặc đi ở nhờ. Hoàn cảnh sống khó khăn cộng với nhận thức thấp đã góp phần ảnh hưởng đến đầu tư giáo dục cho con em tại địa phương. Trên 21% con em không được đi học hoặc nghỉ học giữa chừng, còn lại chủ yếu được học hết cấp 2. Không được đi học do khó khăn về kinh tế chiếm tỷ lệ nhiều nhất (41,8%); tiếp đó do nhận thức của bố mẹ (23,3%), do trường học quá xa (19,7%) và do khả năng tiếp thu của con hạn chế (15,2%).
Có thể nói, thời gian làm việc lênh đênh trên biển dài ngày khiến người lao động không có thời gian chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Hơn nữa, mất nhiều thời gian (trong ngày và trong tháng) cho công việc nhưng không đem lại hiệu quả cao về kinh tế khiến người làm nghề cá thiếu vốn để tái đầu tư vào sản xuất, thu nhập thấp và không có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, đem lại cơ hội học tập cho con cái thoát nghèo. 89,7% số người được hỏi phải đi vay mượn tiền để trang trải cuộc sống, trong đó: 47,1% vay mượn để mua sắm công cụ, máy móc sản xuất; 28,6% vay mượn để trang trải sinh hoạt hàng ngày và 13,7% vay cho con đi học.
Mong muốn của ngư dân
Mặc dù nghề cá tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm nhưng 78,3% người được hỏi đều khẳng định sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài với công việc hiện tại bởi đó là nghề truyền thống của địa phương và rất khó để thay thế hoặc tìm nghề khác phù hợp. Nguyện vọng của ngư dân và đoàn viên nghiệp đoàn là được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa về hỗ trợ vốn, chính sách an sinh- xã hội, công cụ đánh bắt xa bờ, đào tạo và tập huấn với công nghệ-kỹ thuật mới, tuyên truyền về chính sách - pháp luật, v.v... nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người lao động và đoàn viên nghiệp đoàn rất tin tưởng và kỳ vọng vào nghiệp đoàn nghề cá bởi nghiệp đoàn sẽ hỗ trợ họ khi gặp rủi ro, khó khăn trong cuộc sống (84,8%); đại diện hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động (55,8%); được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước và Công đoàn (68,2%). Đặc biệt, có tới 95,8% số người được hỏi khẳng định sẽ tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Trên đây là một số kết quả khảo sát bước đầu về điều kiện lao động và đời sống của ngư dân để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đơn vị liên quan có cơ sở, căn cứ thực tiễn để đánh giá và đưa ra những kiến nghị, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng sống của ngư dân và gia đình họ cũng như củng cố, xây dựng tổ chức Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam vững mạnh và phát triển.