Thư ngỏ mừng xuân mới của Bộ trưởng Lê Minh Hoan
17/01/2023
Những ngày đầu năm 2023 như đang hối hả chào đón mùa Xuân mới. Mỗi ngày trong năm đều có 24 giờ, đều trải qua sáng, trưa, chiều, tối như nhau, nhưng những ngày đầu năm luôn có ý nghĩa riêng và gợi lên cảm xúc trong mỗi người. Ông bà mình thường nhắc nhở “đầu xuôi đuôi lọt”, “vạn sự hanh thông”. Trong không khí vui tươi giáp Tết, tôi xin chia sẻ đôi điều đến các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp hay gián tiếp gắn kết với ngành nông nghiệp.
Giờ này, tôi cảm nhận sự tất bật của Quý Doanh nghiệp đang làm công việc kết toán cuối năm, chuẩn bị cho một năm tiếp đến. Giờ này, tôi hình dung quý doanh nghiệp vất vả như thế nào trong năm cũ khi đối mặt với nhiều biến động trên thương trường. Giờ này, tôi khó diễn đạt đủ lời để bày tỏ lòng tri ân đối với Quý Doanh nhân, Thương nhân đã luôn dày công, tâm huyết, vừa mang lại kết quả tốt nhất cho doanh nghiệp của mình, vừa đóng góp cho sự tăng trưởng của đất nước. Giờ này, tôi đồng cảm với Quý Doanh nghiệp đang miệt mài nắm bắt từng thông tin, tín hiệu thị trường trong năm tới. Và giờ này, tôi cũng trăn trở như nhiều Quý Doanh nghiệp về những gì cần phải cải thiện hơn nữa về thể chế, chính sách, pháp luật chuyên ngành để tháo gỡ những rào cản, tạo ra dư địa tăng trưởng, không gian phát triển mới.
Những thành tựu trong năm 2022 của ngành nông nghiệp ghi nhận sự đóng góp to lớn của các Hiệp hội và Cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp. Những số liệu thống kê kim ngạch xuất khẩu từng ngành hàng là kết tinh từ những giọt mồ hôi, công sức của người nông dân cùng với “những đêm trắng” cân đối chi phí, doanh thu, lợi nhuận từng chuyến hàng của các doanh nghiệp. Xuất siêu nông – lâm – thủy sản trong năm qua chiếm tới 75 % tổng giá trị xuất siêu toàn ngành kinh tế cho thấy sức sống từ nội lực cộng đồng doanh nghiệp Việt to lớn và đáng trân trọng như thế nào. Nhưng, đúng như ca từ một bài hát: “ Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai.”
Trong quá trình công tác của mình, tôi may mắn được gặp gỡ nhiều Doanh nhân, được hòa mình trong nhiều sự kiện của các Hiệp hội ngành hàng. Tôi cảm nhận được sự đam mê nghề nghiệp cháy bỏng của những người “mở đường” và đang trên con đường dấn thân vì nghiệp lớn. Tôi phấn khích với niềm khao khát của nhiều Doanh nhân mong muốn làm điều gì đó to lớn hơn nữa để khẳng định giá trị sống của mình. Tôi kính phục những Doanh nhân vượt lên chính mình mỗi khi đối mặt với khó khăn, thậm chí là thất bại. Các bạn làm cho tôi nhớ đến những ca từ trong bài hát “Đời doanh nhân”: “ Một đời doanh nhân bước chân về muôn trùng. Lạnh lùng hào hoa giấu đi niềm sâu kín. Một đời nước mắt nhớ thương quê nghèo.”
Tôi ấn tượng với cách tiếp cận về Doanh nghiệp của một doanh nhân nổi tiếng trên thế giới. Đó là, “Thông thường người ta cho rằng mục đích của doanh nghiệp là đuổi theo lợi nhuận. Đồng ý là lợi nhuận không thể thiếu, nhưng nói đó là mục tiêu duy nhất phải đạt được thì không phải. Điều căn bản ở đây chính là thông qua công việc, chúng ta tạo ra sự phát triển cho cộng đồng và trên con đường hoàn thành sứ mạng căn bản đó, chúng ta nhận lại lợi ích”. Và, tôi luôn tư duy về vai trò, sứ mạng của Doanh nghiệp. Theo triết lý kinh doanh đó, chúng ta là những người bạn đồng hành cùng “tạo ra sự phát triển cho cộng đồng” và còn hơn thế nữa, cùng kiến tạo không gian phát triển cho đất nước, cùng tạo dựng thương hiệu quốc gia thông qua một ngành hàng.
Ngành nông nghiệp đất nước đã có những thành tựu vượt bậc trong nhiều thập kỷ qua, nhưng so sánh với những đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến vẫn còn khoảng cách khá xa. Nền nông nghiệp tri thức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số, chúng ta mới ở giai đoạn đầu, còn quá nhiều việc phải làm, cùng nhau hiện thực hóa “Khát vọng 2045”. Bước vào năm mới, theo nhiều dự báo, kinh tế thế giới vẫn diễn biến với nhiều thách thức. Thế giới VUCA – “Biến động – Bất định – Phức tạp – Mơ hồ” luôn dự báo những khó khăn mà doanh nghiệp sẽ phải đương đầu phía trước. Có một câu nói hay của một doanh nhân thành công khi “vượt bão”, tôi xin được chia sẻ lại: “Khi người khác đếm điều không thể, thì tôi đếm từng điều có thể”. Quả vậy, thực tiễn chứng minh, chúng ta có thể biến “điều không thể” thành “điều có thể”, nếu chúng ta tiếp tục kiên trì, vững niềm tin và chủ động tiếp cận khác hơn, mới hơn.
“Điều có thể” là cấu trúc lại doanh nghiệp thích ứng xu thế mới. “Điều có thể” là cấu trúc lại thị trường, vừa hướng ra xuất khẩu, vừa hướng đến thị trường trong nước với 100 triệu dân. “Điều có thể” là cấu trúc lại các dòng sản phẩm phù hợp xu thế tiêu dùng xanh. Chúng ta cùng nhau thấm đẫm tinh thần “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Tinh thần “đi cùng nhau” không phải là một khẩu hiệu mà là tư duy, là văn hóa, là triết lý kinh doanh, và hơn cả là triết lý nhân sinh. Khi tôi chia sẻ điều đó, nhiều Doanh nhân đồng tình, nhưng vẫn cảm thán, người Việt mình hình như khó thực hiện! Tôi trăn trở mãi về câu cảm thán đó! Mong rằng các Hiệp hội ngành hàng luôn giương cao ngọn cờ tập hợp cộng đồng doanh nghiệp vì những mục tiêu cao cả.
Tôi có dịp thăm một Hiệp hội ở một đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến hàng đầu trong châu lục. Một Doanh chủ chia sẻ: “ Ngày Tết cổ truyền chúng tôi hay đến thăm nhau và những người đầu tiên chúng tôi đến thăm là những người nông dân, những người cung cấp nguyên liệu cho chúng tôi, chúng tôi biết ơn người nông dân”. Khi ấy tôi chợt nghĩ, phải chăng đó cũng là văn hóa doanh nghiệp, là triết lý kinh doanh, phải chăng đó là những “điều bình dị lớn lao” góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thịnh vượng? Điều bình dị lớn lao đó đến từ tinh thần hợp tác, liên kết. Điều bình dị lớn lao đó có được nhờ tư duy “biết ơn lẫn nhau” thay cho tư duy “mua bán”, “ngã giá” đơn thuần. Điều bình dị lớn lao đó tạo dựng niềm tin giữa những đối tác trong chuỗi ngành hàng. “Niềm tin tạo lập hành vi, hành vi gieo nên kết quả”.
Như tiêu đề một bài báo: “Doanh nhân phải có chữ “Nhân”, Doanh nhân dốc hết sức để lãnh đạo doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận, nhưng luôn nói không với những việc trái pháp luật, trái đạo lý, gây tổn hại đến người khác. Song hành với chữ “Nhân” là chữ “Tín””. Nhiều Doanh nhân thành công không chỉ dựa vào tiềm lực, mà còn quan trọng hơn, bền vững hơn là giữ chữ “Tín” trong kinh doanh. Chữ Tín chính là văn hóa doanh nghiệp, là đạo đức doanh nhân, là thương hiệu của doanh nghiệp. Trong tiếng Việt có một từ rất hay chỉ những người cùng mua bán một mặt hàng, đó là “bạn hàng” . Không biết có phải người xưa muốn nhắn nhủ những người kinh doanh hãy xem nhau như những người bạn, người cùng đồng hành để cùng nhau thắng, “win – win”, trong cuộc cạnh tranh trên thương trường.
Gần đây, nông nghiệp đã được xác định là “lợi thế quốc gia”. Gần đây, ý tưởng Việt Nam tự tin trở thành “bếp ăn của thế giới” nhận được nhiều sự đồng thuận. Gần đây, bên cạnh thách thức, đã xuất hiện những tín hiệu vui khi thị trường mở cửa và trong năm chúng ta đã tiến vào những thị trường đó bằng con đường chính ngạch một cách đầy tự tin. Mong rằng mỗi người trong chúng ta cùng nhau “Nâng niu nông sản Việt – Nâng niu tâm hồn Việt – Nâng niu giá trị Việt” trong mỗi chuyến hàng.