Công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động Ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2022
05/01/2023
Thời gian qua, nhiều đơn vị đã thực hiện tốt Nghị quyết 7C/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, đưa ứng dụng công nghệ thông tin để thuận lợi cho việc theo dõi, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người lao động về bữa ăn ca, giúp công đoàn, chủ doanh nghiệp và người lao động có sự kết nối, người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp. Công đoàn đã tham gia phối hợp chặt chẽ với chủ doanh nghiệp quan tâm, chăm lo tới chất lượng bữa ăn ca của người lao động, đảm bảo người lao động có bữa ăn đủ dinh dưỡng tái tạo sức lao động; nhiều đơn vị đã tổ chức đối thoại, thương lượng với chủ doanh nghiệp để đưa nội dung bữa ăn ca vào bản thỏa ước lao động tập thể. Đến nay, hầu hết các đơn vị đã nâng mức tiền ăn ca lên trên 15.000đ/suất, nhiều đơn vị chi mức ăn từ 20.000đ-35.000đ/suất (CĐ TCT Lương thực Miền Nam từ 25.000đ đến trên 30.000đ, Công đoàn Công ty cổ phần tơ lụa Bảo Lộc: 22.000đ, Công đoàn Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Vitralimex thuộc Công đoàn Tổng Công ty Rau quả, Nông sản: 35.000đ... )
Mặc dù nhiều doanh nghiệp hiên nay gặp rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực từ tình hình trong nước và quốc tế, ảnh hưởng sâu sắc và tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (như TCT Lương thực Miền Bắc gặp nhiều thách thức, khó khăn, việc xuất khẩu gạo đối mặt với diễn biến khó lường, đa chiều của các yếu tố thị trường, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước giảm, giá xăng dầu tăng cao dẫn đến chi phí vận tải hàng hóa của doanh nghiệp tăng cao; nhiều đơn vị ngành Chè đang hoạt động cầm chừng,người lao động không có việc làm, công ty không có nguồn vốn để sản xuất, chi phí tăng không nhập được nguyên liệu, không xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài, nợ lương người lao động; nhiều người lao động khối chế biến gỗ thuộc CĐ TCT Lâm nghiệp VN bị ảnh hưởng...), tuy nhiên nhiều đơn vị đã chủ động tham gia với các chủ doanh nghiệp có các kế hoạch cụ thể chăm lo tới quyền, lợi ích của người lao động như đảm bảo chế độ chính sách đãi ngộ, tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết 2023 sắp tới, các đơn vị cố gắng không để người lao động bị cắt giảm giờ làm, nghỉ việc…
Công đoàn Ngành đã triển khai tới các cấp công đoàn trực thuộc văn bản số 606/CĐN ngày 4/11/2022 về việc tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023 cho đoàn viên, người lao động; triển khai Kế hoạch Tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân gắn kết” tại 2 khu vực miền Nam và miền Bắc (tại công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và Công đoàn Công ty Chè Phú bền, trao quà hỗ trợ gần 100 suất quà tới các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng Covid 19..), số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng.
Tại các đơn vị trực thuộc đã tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động, thiếu, mất việc làm, bị thiên tai, bão lũ, số tiền các đơn vị đã trao quà hỗ trợ ước tính hơn 10 tỷ đồng, mỗi suất từ 500.000đ-1.000.000đ. Các đơn vị chủ động nắm chắc tình hình liên quan đến chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết. Nhiều đơn vị tổ chức các buổi đối thoại, thương lượng trong đó có các nội dung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động nên trong năm qua không có vụ đình công, tranh chấp giữa ngưới sử dụng lao động và người lao động nào xảy ra.
Các đơn vị đã phối hợp tốt với người sử dụng lao động tổ chức phương tiện đưa, đón hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để đưa đoàn viên, người lao động có nhu cầu về quê đón Tết, trở lại làm việc đảm bảo an toàn, thuận lợi; tham gia tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức tới đoàn viên, người lao động đón Tết, vui Xuân tiết kiệm, an toàn, chấp hành quy định của pháp luật và trở lại làm việc đúng thời gian, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19; có kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động đón Tết, thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động không có điều kiện về quê dịp Tết để tạo không khí đầm ấm, vui tươi. Nhiều công đoàn cơ sở đã vận dụng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn phải ở lại đơn vị đón Tết.
Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức phát động dành cho các đoàn viên, người lao động trong hệ thống công đoàn nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, tổ chức các hoạt động vui xuân, một số đơn vị thuộc Công đoàn Ngành đã tham gia Chương trình “Chợ tết công đoàn 2023” bán các mặt hàng nông sản của đơn vị, giá bán ưu đãi, quà tặng cho đoàn viên, người lao động giảm từ 20-25% so với giá bán ngoài thị trường.
Hoạt động chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam tại các cấp công đoàn đã cơ bản đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng, phần nào giảm đi những khó khăn, vướng mắc của các đoàn viên, người lao động; các đơn vị tiếp tục tổ chức các hoạt động mang nhiều ý nghĩa thiết thực và luôn sẵn sàng tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động trên nhiều phương diện trong thời gian tới, với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.