Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở
05/01/2023
Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản số 215/CĐN ngày 08/12/2021 Hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện Hội nghị cán bộ công chức viên chức và Hội nghị người lao động năm 2022 theo Nghị định 04/2015, Nghị định 145/2020/NĐ-CP và Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ tới tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc, cũng như tuyên truyền, phổ biến Nghị định 159/2016/NĐ-CP ngày ngày 29 tháng 11 năm 2016 về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.
Thông qua thực hiện Quy chế dân chủ, các cơ sở đã phát huy được quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong giám sát và tham gia xây dựng chính quyền, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị nói riêng cũng như của Bộ, Ngành nói chung. Nhiều phong trào thi đua đi vào đời sống, thiết thực phục vụ cho công tác quản lý hành chính của Nhà nước; tạo sự đồng thuận của nhân dân, của các tổ chức và cá nhân khi đến giải quyết công việc hành chính. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong quản lý, điều hành và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đối với đơn vị mình phụ trách; đã xây dựng và ban hành các nội quy, quy chế, quy định, quy chế phối hợp với cấp ủy và công đoàn tại đơn vị; đồng thời đảm bảo các nội dung phải công khai để cán bộ, công nhân viên chức, lao động được biết; phối hợp với công đoàn đồng cấp tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị người lao động đảm bảo thiết thực và hiệu quả.
Năm 2022, do dịch COVID 19 cơ bản đã được kiểm soát nhiều hoạt động đã được khôi phục, cấp ủy đảng và lãnh đạo các đơn vị, cơ quan đã thể hiện được chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về trách nhiệm của người đứng đầu, như: Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, lấy ý kiến tín nhiệm, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ theo quy định, tổ chức và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện chủ trương chính sách của đảng và nhà nước, kế hoạch công tác của cơ quan; việc sử dụng kinh phí hoạt động, chấp hành chính sách, chế độ quản lý và sử dụng tài sản của cơ quan, việc thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước về quyền và lợi ích của cán bộ, CNV, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện công khai các việc theo đúng quy định về chủ trương, phát huy hiệu quả vai trò của Ban Thanh tra nhân dân; công khai tài chính; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu; việc xây dựng các nội quy, quy chế của cơ quan, việc sử dụng, mua sắm tài sản, trang thiết bị, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm; hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc; giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại công chức, viên chức…
Công đoàn các cấp đã chủ động phối hợp chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân có hiệu quả; việc lấy ý kiến của cán bộ công nhân viên chức, lao động được kịp thời, công khai, đồng thời kịp thời tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị; tuy nhiên, vai trò của công đoàn tại một số đơn vị còn mờ nhạt, cán bộ công đoàn còn ngại va chạm, đấu tranh trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên công đoàn.
Năm qua, Công đoàn đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát. Ban thanh tra nhân dân các đơn vị, cơ quan giám sát chính quyền trong việc thực hiện các văn bản pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy chế của cơ quan, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động. Các đơn vị đã kịp thời giải quyết được các vướng mắc, bảo vệ tốt quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại nơi làm việc… trong ngành không để xảy ra đình công, ngừng việc tập thể, các đơn thư khiếu tố được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Công đoàn đã tổ chức nhiều cuộc giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW, QĐ 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Công tác thực hiện giám sát có nhiều sáng tạo, kiến nghị thiết thực, sát với yêu cầu và điều kiện thực tế, đảm bảo cho hoạt động tại đơn vi.
Qua việc thực hiện phản biện xã hội đã phản ánh được những tâm tư, nguyện vọng, đời sống, lao động của CNVCLĐ, từ đó các đơn vị thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách, chương trình phù hợp với thực tế, đảm bảo cho cá nhân, tập thể đoàn viên và người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động. Công đoàn đã phối hợp với chính quyền các đơn vị đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, hội nghị, các buổi họp tổ để tạo điều kiện cho đoàn viên, người lao động được tham gia ý kiến đóng góp vào một số dự thảo của Luật, Nghị định, Thông tư, các văn bản dự thảo của tổ chức công đoàn và các văn bản dự thảo của đơn vị, doanh nghiệp đặc biệt là việc triển khai thực hiện bộ luật Lao động mới…
Công đoàn luôn thể hiện quan tâm đúng lúc kịp thời đối với đoàn viên và người lao động cả về vật chất lẫn tinh thần nên tư tưởng của đoàn viên và người lao động muốn gắn bó lâu dài với đơn vị để góp sức xây dựng phát triển doanh nghiệp bền vững. Nhận thức đúng đắn việc phát triển Đảng viên là nhiệm vụ chính trị, nên các đơn vị luôn chú trọng và thực hiện thường xuyên. Hàng năm các đơn vị đã giới thiệu và kết nạp hàng trăm Đảng viên trong đó có nhiều đảng viên trong công nhân lao động. Tình hình tư tưởng của cán bộ công nhân viên chức và người lao động tại các đơn vị nhìn chung ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Ban Chỉ đạo tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc tiếp tục thường xuyên được củng cố, kiện toàn; đã tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng thời chủ động xây dựng quy chế, chương trình hoạt động của Ban Chỉ đạo và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Ban chỉ đạo đã tham mưu cho cấp ủy về việc ban hành các chủ trương, đề án, chương trình, kế hoạch để quán triệt, triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Nhìn chung việc thực hiện Quy chế dân chủ tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp vẫn duy trì được nền nếp; các đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản chỉ đạo thực hiện của Chính phủ, của nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động; Việc tổ chức công khai, dân chủ trong hoạt động của đơn vị được thực hiện đầy đủ, các thông tin về mua sắm, sử dụng tài sản công, chi tiêu nội bộ, công khai lịch tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của cán bộ, công nhân viên chức, lao động, công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công nhân viên chức lao động đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định bằng các hình thức công khai như: đăng trên website của đơn vị, thông báo đến từng phòng, ban, đăng trên bảng thông tin nội bộ…
Các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc tiếp nhận, phân loại và chủ động giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân theo chức năng, thẩm quyền. Kịp thời tổ chức kiểm tra, xác minh, xử lý, giải quyết đúng quy định của pháp luật, không để quá thời hạn quy định; tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết thì hướng dẫn, giải thích tận tình để tổ chức, cá nhân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết hoặc tiếp nhận, chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Bí thư cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã thể hiện được vai trò của mình trong việc chỉ đạo, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, lấy ý kiến tín nhiệm, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ theo quy định, việc sử dụng kinh phí hoạt động, chấp hành chính sách, chế độ quản lý và sử dụng tài sản của cơ quan, việc thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước về quyền và lợi ích của cán bộ, công nhân viên, phát huy hiệu quả vai trò của Ban Thanh tra nhân dân; quan tâm cử cán bộ tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức; giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại công chức, viên chức; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức; việc xây dựng các quy chế, quy định của cơ quan; các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị…
Năm 2022, có nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Những tháng đầu năm còn ảnh hưởng của dịch COVID 19, đến giữa năm thì ảnh hưởng của xung đột quốc tế nên làm cho giá cả nhiên liệu, nguyên, vật liệu tăng cao, đơn hàng thiếu làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, công ăn việc làm của các doanh nghiệp trong đó có rất nhiều doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Hiện nay nhiều doanh nghiệp và hàng nghìn đoàn viên người lao động ngành nông nghiệp bị thiếu việc làm, tạm ngừng sản xuất, tiền lương, thu nhập bị giảm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Trước tình hình đó Công đoàn các cấp, đặc biệt là Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã phối hợp với chính quyền các cấp vận động đoàn viên người lao động không bỏ việc, áp dụng mọi biện pháp để duy trì sản xuất... cố gắng có việc làm, đảm bảo đời sống, giữ chân người lao động. Đồng thời các cấp công đoàn cũng tích cực hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi việc làm, thu nhập, các cấp Công đoàn vẫn chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động tổng kết sản xuất kinh doanh và bàn các giải pháp thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tiếp theo; đồng thời đánh giá việc thực hiện và kịp thời thương lượng, sửa đổi, bổ sung các nội dung của thỏa ước lao động tập thể, trong đó có nhiều điều khoản có lợi hơn luật cho người lao động, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở các doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, từ đó việc sản xuất kinh doanh được thuận lơi, phát huy tinh thần sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người lao động. Công đoàn cơ sở tham gia các Hội đồng của doanh nghiệp như: Hội đồng xét nâng lương, thưởng, thi đua, ban hành nội quy, quy chế.
Tuy vậy, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn con một số tồn tại như: Sự chỉ đạo, hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở một số đơn vị chưa tích cực, chưa xây dựng được kế hoạch làm việc cụ thể, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, một số thành viên Ban chỉ đạo chưa dành nhiều thời gian sâu sát thực tiễn để nắm bắt kịp thời tình hình và kiểm tra, chỉ đạo xử lý những biểu hiện thiếu dân chủ; Cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể một số cơ sở vẫn chưa được phát huy đầy đủ, chưa nhận thức đầy đủ các quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Trung ương về vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa cũng như tính cấp bách, lâu dài của vấn đề dân chủ; do đó công tác triển khai, tuyên truyền và thực hiện có nơi, có lúc chưa đồng bộ, còn hình thức, việc cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết cho Ban Thanh tra nhân dân nhiều lúc chưa đầy đủ, kịp thời, việc xem xét, giải quyết và trả lời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người lao động nhiều lúc còn chậm trễ…
Công đoàn ở một số ít doanh nghiệp chưa thể hiện được quyền và trách nhiệm của trong phát huy dân chủ của người lao động, chưa tạo điều kiện để người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát và đảm bảo quyền, nghĩa vụ của người quản lý công ty và người lao động.
Việc chấp hành quy định pháp luật của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, người sử dụng lao động còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng né tránh, không thực hiện đầy đủ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; mặt khác trình độ hiểu biết pháp luật của nhiều người lao động còn hạn chế, một phần có tâm lý ngại yêu cầu, đòi hỏi, đặc biệt là những việc có liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng. Chưa quan tâm đúng mức tới việc phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, thi đua, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, các nhân có thành tích tốt.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, chủ yếu là do nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị còn xem nhẹ công tác dân chủ. Một số cơ quan, đơn vị chủ yếu tập trung cho công tác chuyên môn, nên việc triển khai, thực hiện có nơi có lúc còn bỏ ngỏ, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ tham mưu, trực tiếp công tác dân chủ ở cơ sở tại một số đơn vị thường xuyên thay đổi và kiêm nhiệm; do đó việc tham mưu cho thủ trưởng, cấp ủy còn thụ động, làm ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.
Để thực hiện tốt dân chủ cơ sở trong năm 2023 và thời gian tới các cấp Công đoàn cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tiếp tục quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; với tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phòng cách Hồ Chí Minh”; tăng cường thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Tổ chức truyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật thực hiện dân chủ cơ sở vừa được Quốc hội thông qua (được thực hiện từ tháng 7/2023) và các văn bản hướng dẫn liên quan đến chính quyền, tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, người lao động.
Đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, thực hiện tốt việc tìm hiểu, nắm bắt tình hình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy theo Nghị định mới của Chính phủ để tham mưu đề xuất hướng giải quyết thỏa đáng đối với những vấn đề mới phát sinh trong đó lấy cải cách thủ tục hành chính và phong cách công tác dân vận của cán bộ, công chức và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật làm trọng tâm.
Tham gia sửa đổi, bổ sung kịp thời các nội quy, quy chế, quy định của đơn vị cho phù hợp với tình hình mới; tập trung xây dựng bộ quy chế trong hoạt động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp;
Công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức tốt hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động; tập trung bàn các biện pháp khắc phục những khó khăn trước mắt, ổn định tình hình và phát triển bền vững lâu dài. Quan tâm đảm bảo đời sống và thu nhập chính đáng cho cán bộ, CNVCLĐ.