Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Tây Bắc với sự nghiệp trồng Người
25/11/2014
Từ một trường Công nhân kỹ thuật đào tạo nghề Lái máy thi công với quy mô nhỏ đến nay đã phát triển, trở thành trường cao đẳng nghề với quy mô đào tạo lớn (2300 học sinh/năm), có thể đào tạo được 6 nghề trình độ cao đẳng và 13 nghề trình độ trung cấp trong các lĩnh vực Cơ - Điện, Thi công cơ giới, Công nghệ thông tin và Kế toán. Trong đó có 03 nghề đang được Nhà nước đầu tư xây dựng nghề trọng điểm cấp quốc gia, cấp khu vực. Trường đã có đội ngũ cán bộ, giáo viên lớn mạnh với trình độ từ đại học trở lên, trong đó 1/4 số cán bộ, giáo viên trình độ thạc sỹ, có nhiều thầy cô giáo đạt danh hiệu Giáo viên dạy nghề giỏi toàn quốc. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được hiện đại hoá, chuẩn hoá phục vụ kịp thời cho công tác dạy nghề. Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Tại các Hội thi học sinh tay nghề giỏi của Bộ Nông nghiệp và PTNT (tổ chức 2 năm 01 lần), trường luôn giành được thành tích cao, đặc biệt là các nghề Điện công nghiệp, Hàn, Lắp đặt đường ống nước và nghề Công nghệ ô tô. Năm 2014, tại Hội thi tay nghề học sinh giỏi Quốc gia tổ chức ở Hà Nội, trường có 2 học sinh tham gia (thi nghề Điện và nghề Hàn), đã đạt được 2 giải Khuyến khích. Năm 2014, Trường được Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công nhận trường đạt chuẩn Chất lượng cơ sở dạy nghề cấp độ 2.
45 năm qua, Trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, được xã hội đánh giá cao, đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và trao tặng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba… Nhiều nhà giáo đã được Nhà nước tặng tặng thưởng bằng khen, huân chương, huy chương và danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Có được những thành tựu đó là do công lao đóng góp to lớn của tất cả các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh, sinh viên của Nhà trường, trong đó đội ngũ các thầy cô giáo có vai trò hết sức quan trọng. Thế hệ các thầy cô giáo của Trường trước đây đã và mãi mãi là những tấm gương sáng vượt qua mọi khó khăn đưa nhà trường từng bước phát triển vững chắc trong điều kiện đất nước còn nhiều gian khổ, khó khăn. Thế hệ các thầy cô giáo hiện nay đang kế tục xứng đáng truyền thống các thế hệ đi trước, đã và đang đưa Nhà trường từng bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà trong thời đại ngày nay, thời đại nền kinh tế tri thức, toàn cầu hóa và cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão. Thế hệ các thầy cô giáo trẻ ngày nay được sống và làm việc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Với sự năng động và sáng tạo, với ưu thế về công nghệ thông tin và ngoại ngữ, các thầy cô giáo đã nhanh chóng tiếp cận với thực tiễn đổi mới hàng ngày, tiếp cận với tri thức mới, với tiến bộ khoa học công nghệ, với những phương tiện và phương pháp dạy học hiện đại. Các thày, cô giáo đang nhóm lên trong nhà trường một sự đổi mới mạnh mẽ, căn bản và toàn diện trong công tác giáo dục, đào tạo của Nhà trường.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của Nhà trường, đội ngũ giáo viên trường không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình đối với nhà trường, với xã hội và đất nước. Những năm gần đây, sự khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư, phát triển; không ít doanh nghiệp phá sản hoặc chỉ duy trì hoạt động tối thiểu. Tình hình này đã ảnh hưởng lớn, tác động tiêu cực đến thị trường lao động và hoạt động giáo dục, đào tạo của hệ thống các cơ sở dạy nghề. Trong bối cảnh như vậy, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, đào tạo và chủ trương dạy nghề cho học sinh đang học văn hóa THPT chương trình giáo dục thường xuyên của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây Trường đã mở rộng phạm vi hoạt động đào tạo nghề đến các địa phương, các doanh nghiệp; đã phát triển sự liên kết với các cơ sở dạy nghề, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cùng phối hợp tổ chức đào tạo nghề tại cơ sở địa phương. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy các lớp học ở trường, các thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn đến với những địa phương vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh Lào Cai, Nam Định, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Ninh Bình làm công tác giảng dạy, đào tạo nghề cho thanh niên, người lao động phục vụ cho sự nghiệp Phát triển Nông nghiệp và nông thôn, sự nghiệp CNH, HĐH của đất nước.
Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống đoàn kết trong 45 năm xây dựng và phát triển, với sự tâm huyết với nghề, với trường và tinh thần trách nhiệm của các thầy cô giáo, CBVC sẽ chèo lái con thuyền đưa trường CĐN Cơ điện Tây Bắc phát triển lên tầm cao mới.