Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam - Niềm tin của đoàn viên, ngư dân
20/09/2022
Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam thành lập năm 2014, theo quyết định của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã ban hành Chương trình hoạt động toàn khóa, xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động. Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam thường xuyên tổng hợp, nghiên cứu kiến nghị từ các nghiệp đoàn nghề cá cơ sở, đoàn viên và ngư dân về các vấn đề phát sinh trong hoạt động cũng như các vấn đề liên quan đến sản xuất, đời sống của đoàn viên, ngư dân để đề xuất với các cấp lãnh đạo có cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời hỗ trợ đoàn viên và ngư dân sản xuất trên biển.
Ban Chấp hành Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam Khóa I
Từ ngày thành lập đến nay, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, Hội Nghề cá Việt Nam, Tổng cục Thủy sản… ban hành 26 văn bản phản đối việc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, phản đối các hành vi cản trở, xua đuổi, tấn công, bắt giữ người, cướp phá ngư, lưới cụ, tài sản của đoàn viên, ngư dân các nghiệp đoàn nghề cá của các lực lượng nước ngoài trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị các cơ quan chức năng của nhà nước có biện pháp bảo vệ đoàn viên, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản khu vực biển xa; ký chương trình phối hợp với Tổng cục Thủy sản, công đoàn cấp trên trực tiếp của một số nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại Quảng Ninh, Quảng Bình; tham mưu Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh/TP xây dựng và ký Chương trình phối hợp chỉ đạo hoạt động các nghiệp đoàn nghề cá cơ sở.
Lãnh đạo Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam trao quà cho Đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi năm 2018
Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều văn bản kiến nghị với các cấp, các ngành trong công tác hỗ trợ đoàn viên và gia đình khi có khó khăn, hoạn nạn; hỗ trợ tặng tủ thuốc, phao cứu sinh, xuồng cứu nạn; vận động các chủ tàu quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, ngư dân; xây dựng nội dung thỏa thuận giữa tổ nghiệp đoàn với chủ tàu về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đoàn viên, ngư dân làm việc trên tàu cá.
Năm 2016, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam ký kết với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Khai thác Hải sản Biển Đông “Chương trình hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn”, theo đó Công ty đã phối hợp cung ứng phục vụ ngư dân 1.556.321 lít dầu, 9.689 m3 nước ngọt, 128.665 tấn lương thực, thực phẩm, 252.976 cây đá, sửa chữa 133 tàu thuyền cho ngư dân miễn phí; cứu hộ 6 tàu thuyền, ngư dân bị nạn.
Đồng thời, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhân đạo nghề cá Việt Nam, Tổng cục Thủy sản, LĐLĐ các tỉnh, thành phố có nghiệp đoàn nghề cá cơ sở hỗ trợ ủng hộ đoàn viên, ngư dân gặp rủi ro, có hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai, bão lũ, ảnh hưởng sự cố môi trường biển và bị tàu nước ngoài tấn công trên biển với số tiền là 355.000.000đ; đề nghị Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao động hỗ trợ đoàn viên các tàu cá gặp nạn hoặc bị thiệt hại, hỗ trợ xây dựng các trạm bờ thông tin liên lạc, đề nghị Bộ Y tế tặng tủ thuốc cho các tàu cá...
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 (kéo dài đến năm 2022) Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Công đoàn Ngành và LĐLĐ các tỉnh, thành phố có nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tổ chức tập huấn, tuyên truyền 320 đợt cho khoảng 22.316 người, trong đó Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam phối hợp tổ chức 70 cuộc cho 6.316 người về chính sách, pháp luật của nhà nước; tuyên truyền về pháp luật biển quốc tế và trong nước, pháp luật về thủy sản, pháp luật của các nước có liên quan; phối hợp vận động đoàn viên chủ động, tích cực tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, đoàn kết hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác hải sản trên biển, cam kết chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã xây dựng, báo cáo Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và phối hợp với Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn tham mưu để Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn ban hành Quyết định số 2728/QĐ-TLĐ ngày 29/6/2021 Quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá, đã xác định rõ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá, trách nhiệm và mối quan hệ công tác, tài chính của nghiệp đoàn nghề cá.
Tính đến hết ngày 31/5/2022, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam có 88 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại 16/28 tỉnh, thành phố có biển với 17.692 đoàn viên và 5.239 tàu cá có công suất máy trên 90CV hoặc có chiều dài từ 15 mét trở lên. Như vậy, so với thời điểm tổ chức Đại hội Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam lần thứ nhất đến nay đã phát triển thêm 15 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở, 2.178 đoàn viên, 1.177 tàu cá tại 05 tỉnh, thành phố.
Đại hội Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam lần thứ II, Nhiệm kỳ 2022-2027, với mục tiêu tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam tập trung thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Nghị quyết Đại hội lần II thông qua, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, ngư dân, góp phần phát triển nghề cá Việt Nam, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2045 và những năm tiếp theo.