Chỉ đạo của Thủ tướng đã đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động
10/06/2022
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết, những năm gần đây, Tổng LĐLĐVN đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ đến gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe CNLĐ. Đây là hoạt động có tính chất điển hình, để lại cho CNLĐ cả nước và cán bộ công đoàn rất nhiều ấn tượng, là một trong những điểm nhấn của Tháng Công nhân.
Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân nhằm “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp CNLĐ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” theo tinh thần của Thông báo số 77-TB/TW ngày 24.2.2012 của Ban Bí thư kết luận về tổ chức Tháng Công nhân…
Thông qua Chương trình, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với CNLĐ.
Các KCN-KCX phải có nhà ở, nhà trẻ phục vụ gia đình CNLĐ
Theo Tổng LĐLĐVN, từ năm 2016 đến nay, đã có 5 Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ diễn ra.
Trong đó, ngày 30.4.2016, tại Nhà thi đấu tỉnh Đồng Nai diễn ra sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt và đối thoại với 3.000 CNLĐ đại diện cho người lao động ở 8 tỉnh, thành phía Nam.
Tại Chương trình, trước kiến nghị của CNLĐ về mong muốn được sở hữu nhà ở, gần khu nhà có đầy đủ nhà trẻ, nhà mẫu giáo, khu vui chơi…, Thủ tướng cho rằng, đây là mong muốn rất chính đáng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu chính quyền các cấp trong cả nước thực hiện nghiêm quy định xây dựng các các khu công nghiệp, khu chế xuất đi liền với điều kiện phải có nhà ở, nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con em CNLĐ.
Sau đó, ngày 12.5.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg về phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” - bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao phục vụ CNLĐ tại các khu công nghiệp…
Ngày 10.6.2022, ông Lê Văn Nghĩa - Uỷ viên Ban Chấp hành, Quyền Trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn Tổng LĐLĐVN cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg, Tổng LĐLĐVN và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai xây dựng các thiết chế công đoàn. Đến nay, Khu thiết chế Công đoàn tại Hà Nam được đưa vào sử dụng những ngày cuối năm 2021 đã mang lại niềm vui cho nhiều CNLĐ, từng bước hiện thực hóa giấc mơ “an cư” để “lạc nghiệp” của họ.
Ông Nghĩa cho biết thêm, thiết chế văn hoá tại Tiền Giang đang trong quá trình hoàn thiện; từ nay đến cuối năm 2022 sẽ triển khai thiết chế văn hoá Trà Vinh, Sóc Trăng; năm 2023 tiếp tục triển khai thiết chế văn hoá tại nhiều tỉnh, thành…
Phải đảm bảo an toàn thực phẩm cho CNLĐ
Ngày 22.4.2017, tại Cung thể thao Tiên Sơn (đường Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ 2.000 CNLĐ các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tâm huyết của những CNLĐ trực tiếp lao động; những kiến nghị, đề xuất của người lao động cũng như các doanh nghiệp.
Tại Chương trình, CNLĐ đã trực tiếp bày tỏ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến nhà ở CNLĐ, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao tay nghề cho người lao động, chính sách về bảo hiểm xã hội…
Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm cho người lao động, Thủ tướng Chính phủ đã hoan nghênh Tổng LĐLĐVN đã ban hành riêng một Nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, chủ động tham gia với các cơ quan chức năng, với người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn ca đối với CNLĐ; công đoàn có thể khởi kiện giám đốc DN khi DN để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của CNLĐ.
Theo Thủ tướng, để chấm dứt tình trạng ngộ độc tập thể tại các DN có đông CNLĐ, các cấp, các ngành cũng phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức CĐ để giám sát chất lượng thực phẩm cũng như giám sát định mức kinh phí DN dành cho bữa ăn ca của NLĐ.
Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động, phải đảm bảo kiểm tra nguyên liệu, nơi chế biến và bếp ăn cho người lao động, gắn trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, cần có chế tài phạt nghiêm, thậm chí xử lý hình sự các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng…
Chủ nhà trọ phải thu tiền điện đúng giá quy định
Ngày 20.5.2018, tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với khoảng 1.000 CNLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tại Chương trình, CNLĐ nêu tình trạng người lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước theo giá kinh doanh, tức là giá cao hơn các hộ gia đình sinh hoạt…
Ngay tại Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các Công ty điện lực tỉnh, thành phố phối hợp với các cấp công đoàn tại các doanh nghiệp, chính quyền địa phương… nơi có đông CNLĐ thuê trọ khảo sát tình hình trả tiền điện của NLĐ đang thuê phòng trọ. Chủ nhà trọ phải áp dụng đúng các quy định về giá bán lẻ điện sinh hoạt quy định tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương.
“Nếu chủ nhà trọ thu tiền điện để ở theo giá điện cho mục đích kinh doanh là vi phạm quy định pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 6, Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17.10.2013 của Chính phủ. Cụ thể: “Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Ngay sau đó, các công ty điện lực đã yêu cầu các chủ khu nhà trọ ký cam kết cung cấp điện đúng giá quy định.
CNLĐ phải nỗ lực để học tập để có “nghệ tinh” thì mới “thân vinh”
Ngày 5.5.2019, tại Hội trường Thành ủy (số 111 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, TP.Hồ Chí Minh) diễn ra Chương trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ CNLĐ kỹ thuật cao năm 2019 với chủ đề “Công nhân, lao động kỹ thuật cao - động lực phát triển đất nước”.
Sau khi tiếp nhận ý kiến của CNLĐ, đại diện các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng lực lượng đội ngũ CN có tay nghề cao, thu hút nhân tài để Việt Nam trở thành “quốc gia khởi nghiệp”, là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến 4 nhóm vấn đề thiết yếu với đời sống CNLĐ: Tiền lương và thu nhập đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu; nhà ở xã hội; môi trường làm việc, học tập cho CNLĐ và chỗ học tập, vui chơi cho CN, con CN.
Thủ tướng đề nghị tổ chức công đoàn cần đổi mới cách thức hoạt động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo đời sống văn hóa, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh cho CNLĐ, trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ. Quan tâm đến hậu phương của NLĐ để NLĐ xem công đoàn là gia đình thứ hai của mình.
Riêng đối với CNLĐ, Thủ tướng bày tỏ: “Chúng ta đều dưới ruộng đi lên, đều cần phải chuyển đổi để thích nghi với sự thay đổi mới, chuyển đổi nghề nghiệp, phải nỗ lực để học tập để có “nghệ tinh” thì mới “thân vinh”.
Không được chủ quan trước dịch COVID-19
Ngày 31.5.2020, tại Công ty TNHH Điện tử Foster, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà CNLĐ tỉnh Bắc Ninh nhân dịp Tháng Công nhân 2020.
Thủ tướng đã bày tỏ sự vui mừng trước sự chăm lo cho người lao động của địa phương và Tổng LĐLĐVN, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn nhủ, trong thời gian tới, người lao động cần cố gắng rèn luyện kỹ năng lao động tốt bằng cách học tập nhiều hơn, có tay nghề lao động tốt hơn, từ đó nâng cao thu nhập. Thủ tướng cũng cho rằng, doanh nghiệp cần giảm chi phí, duy trì việc làm, thu nhập, nâng cao năng suất, áp dụng công nghệ, tìm thị trường mới để phát triển, từ đó duy trì việc làm, thu nhập cho công nhân lao động.