Vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 an toàn, hiệu quả, vừa hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng là đơn vị đầu mối và là trung tâm thông tin tổng hợp quan trọng phục vụ tốt sự lãnh đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Công đoàn ngành và Thủ trưởng Cơ quan Công đoàn ngành, kết quả cụ thể như sau:
Công tác tham mưu, tổng hợp luôn chủ động, chính xác, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm bí mật, từng bước xây dựng phong cách làm việc khoa học, nền nếp, chuyên nghiệp; phục vụ chu đáo, tận tụy không kể giờ giấc, hoàn cảnh, ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm cho hoạt động của Thường trực, Ban Thường vụ Công đoàn ngành, Thủ trưởng Cơ quan được liên tục, kịp thời. Chất lượng tham mưu, tổng hợp, phục vụ không ngừng được nâng lên giúp Ban Thường vụ, Thường trực Công đoàn ngành giải quyết thấu tình đạt lý nhiều nhiệm vụ chính trị phát sinh. Tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ, Thường trực Công đoàn ngành ban hành nhiệm vụ trọng tâm công tác theo khung lôgic, các chương trình, kế hoạch; giao nhiệm vụ chủ yếu cho các cấp công đoàn trực thuộc làm căn cứ thực hiện.
Đ/c Đỗ Tiến Dũng - Phó Chủ tịch CĐN phát biểu tại Hội nghị BCH lần thứ 9, khóa V mở rộng
Chủ động tham mưu cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội Công đoàn ngành lần thứ V, Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Công đoàn ngành đã đề ra. Tham mưu Ban Thường vụ và Thường trực Công đoàn ngành đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 như: Triển khai lập nhóm Zalo, email cấp trên trực tiếp cơ sở, cơ sở trực thuộc để gửi, nhận thông tin, chuyển các văn bản chỉ đạo điều hành và cập nhật, tổng hợp tình hình, kết quả hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ các đơn vị trực thuộc; triển khai sơ kết 6 tháng đầu năm bằng hình thức gửi văn bản; triển khai các hội nghị bằng hình thức họp trực tuyến; tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn ngành lần thứ 9, khóa V mở rộng, tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến,…
Thực hiện tốt công tác văn thư, lưu trữ, sử dụng có hiệu quả phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc đảm bảo đúng quy định, các văn bản phát hành đi, đến đảm bảo đúng thời gian, thể thức, thẩm quyền,… Mở hồ sơ về công tác văn thư theo quy định; các loại văn bản đến đều được vào sổ theo dõi công văn đến, chuyển Thủ trưởng để xử lý kịp thời trong ngày. Quản lý tốt các loại dấu, báo, tạp chí, không để xảy ra tồn đọng hoặc thất lạc văn bản; tham mưu Thủ trưởng Cơ quan ban hành Quy chế về công tác văn thư, công tác lưu trữ; quy chế quản lý, sử dụng phòng lưu trữ Cơ quan Công đoàn ngành qua đó giúp chuẩn hóa công tác văn thư, lưu trữ theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn
Công tác quản lý tài chính, tài sản được quan tâm, đặc biệt là việc quản lý xe ô tô sử dụng chung và quản lý, sử dụng, sửa chữa, thay thế các thiết bị, máy móc văn phòng đáp ứng kịp thời theo yêu cầu của các ban. Các khoản chi văn phòng phẩm, chi tiếp khách, công tác phí đều được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện chi đúng, chi đủ, chi tiết kiệm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Văn phòng đã chủ động tham mưu xây dựng Đội phản ứng nhanh phòng, chống Covid-19 tại Cơ quan; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như: phun độc, khử trùng các phòng làm việc, khu vực sử dụng chung; hàng ngày theo dõi sức khỏe của CB,CC,NV; kiểm soát chặt chẽ khách đến liên hệ công tác; trang bị nước sát khuẩn; quy định 5K và liên hệ, tổ chức tiêm vacxin phòng Covid-19 mũi 1,2,3 cho 100% CB,CC,NV Cơ quan.
Duy trì kết nối với Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Văn phòng điện tử của Tổng Liên đoàn giúp trao đổi thông tin nhanh, việc gửi, nhận văn bản bằng đường điện tử được kịp thời, giảm thủ tục, chi phí hành chính.
Tăng cường phối hợp với các ban và các đơn vị có liên quan, nhất là trong thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo qua đó kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ tại các đơn vị; đồng thời phối hợp chuẩn bị xây dựng các kế hoạch tổ chức tốt các hoạt động, sự kiện của Cơ quan, Công đoàn ngành.
Chỉ đạo thường trực Văn phòng khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và phía Nam phối hợp tốt với các ban, đơn vị liên quan tham mưu triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Ban Thường vụ, Thường trực Công đoàn ngành giao; kịp thời nắm bắt tình hình, tổng hợp, thông tin báo cáo kết quả hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ tại các đơn vị trong khu vực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Công tác Văn phòng Công đoàn ngành còn bộc lộ một số tồn tại hạn chế: tham mưu giám sát, điều chỉnh việc thực chương trình, kế hoạch công tác đôi lúc còn bị động; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai họp trực tuyến còn phụ thuộc, hạn chế; công tác giám sát việc thực hiện nội quy cơ quan (thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, sử dụng thiết bị điện) còn chưa chặt chẽ.
Năm 2022, dự báo tình hình dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn; kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút. Bên cạnh đó, nguy cơ thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi luôn tiềm ẩn, khó lường tác động lớn đến hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ của Ngành đòi hỏi Văn phòng Công đoàn ngành ngày càng phải đổi mới một cách toàn diện và sâu sắc, năng động và sáng tạo; đội ngũ CB, CC, NV Văn phòng Công đoàn ngành tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn, hạn chế; đoàn kết, thống nhất với phương châm 5C “Chủ động - Chính xác - Chu đáo - Chi tiết - Có kết quả” tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Khẩn trương ổn định tổ chức, phân công nhiệm vụ đối với từng CB,CC,NV Văn phòng đảm bảo rõ người, rõ việc theo vị trí việc làm được quy định tại Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế Cơ quan Công đoàn ngành.
2. Chủ trì phối hợp với các ban tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch trọng tâm công tác của Ban Thường vụ Công đoàn ngành và tham mưu giúp Thường trực, Ban Thường vụ Công đoàn ngành triển khai tổ chức thực hiện bảo đảm kịp thời, chất lượng theo yêu cầu của Thường trực Công đoàn ngành cũng như yêu cầu thực tiễn công việc. Chủ động theo dõi, đôn đốc các nội dung Thường trực Công đoàn ngành chỉ đạo, nhất là các kết luận của Ban Thường vụ để tham mưu các giải pháp lãnh chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đúng kế hoạch.
3. Tham mưu xây dựng, ban hành quyết định giao chỉ tiêu nhiệm vụ chủ yếu thực hiện năm 2022 cho các cấp công đoàn trực thuộc; đôn đốc, theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện.
4. Chủ động rà soát, tham mưu Thủ trưởng Cơ quan Công đoàn ngành sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế Cơ quan cho phù hợp với quy định mới, hướng tới xây dựng Bộ quy chế công vụ Cơ quan Công đoàn ngành.
5. Triển khai việc lắp đặt, quản lý, vận hành trang thiết bị phục vụ họp trực tuyến theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tham mưu chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ trong Ngành.
6. Tập trung tham mưu đôn đốc các đơn vị trích nộp kinh phí công đoàn theo quy định; hướng dẫn nghiệp vụ công tác tài chính, phần mềm kế toán công đoàn; giám sát việc thực hiện chi tài chính công đoàn theo quy định.
7. Tham mưu việc quản lý hiệu quả tài sản, tài chính công đoàn; bố trí sắp xếp các phòng làm việc; kịp thời rà soát, cung cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu làm việc của các ban.
8. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Cơ quan. Tập trung xây dựng cơ quan xanh-sạch-đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.
9. Tiếp tục tham mưu duy trì mối quan hệ sẵn có với các tổ chức công đoàn nhằm tăng cường quan hệ trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động đối với một số tổ chức công đoàn cùng ngành nghề trong khu vực và thế giới như: Công đoàn Nông lâm Pháp; Công đoàn Nông nghiệp Ai Cập; Công đoàn thực phẩm Ai Cập; Công đoàn thực phẩm Na Uy; Công đoàn gỗ và xây dựng Quốc tế.