[In trang]
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em (từ 01/6-30/6) Chủ đề năm 2020 “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”: Lao động trẻ em
Thứ sáu, 29/05/2020 - 15:28
Lao động trẻ em là vấn đề xã hội xuất hiện ở mọi quốc gia, chỉ khác nhau về mức độ. Đồng thời lao động trẻ em cũng là một vấn đề trong quan hệ lao động tại nơi làm việc. Lao động trẻ em có thể ảnh hưởng tới sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của trẻ em, thậm chí có thể có những tình trạng lạm dụng, bóc lột sức lao động của trẻ em và người chưa thành niên.

Khái niệm về trẻ em

Theo Điều 1, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, 1989: Trẻ em là những người dưới 18 tuổi. Còn trong luật pháp Việt Nam quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. (Điều 1, Luật trẻ em, 2016). Như vậy có thể thấy là có sự khác nhau về khái niệm trẻ em theo quy định của luật pháp Việt Nam và quốc tế.

 Bên cạnh khái niệm trẻ em, pháp luật Việt Nam còn có khái niệm “người chưa thành niên”. Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi (Khoản 1, Điều 2, Bộ luật dân sự, 2015).

Gắn với khái niệm “người chưa thành niên” là khái niệm “lao động chưa thành niên”. Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi (Khoản 1, Điều 143, Bộ Luật lao động 2019).

Thế nào là Lao động trẻ em

Không phải công việc nào do trẻ em thực hiện cũng là lao động trẻ em.

Trong pháp luật quốc tế, “Lao động trẻ em” là thuật ngữ thường dùng để chỉ tình trạng một người dưới 18 tuổi phải làm các công việc có hại đến tinh thần, thể chất, trí tuệ, đạo đức và nhân cách của các em; hoặc phải làm việc từ độ tuổi nhỏ khiến cho các em mất đi cơ hội học tập và phát triển.


Hội nghị Góp ý bộ tài liệu dành cho cán bộ công đoàn về “Hướng dẫn phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em” do Tổng Liên đoàn tổ chức vào ngày 26/5/2020 tại Hà Nội

Nhận diện Lao động trẻ em

Lao động trẻ em được nhận diện thông qua các tiêu chí về độ tuổi, thời giờ làm việc, loại công việc và nơi làm việc được xem là nguy hại cho người dưới 18 tuổi (theo Công ước số 138 và 182 của ILO).

Pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa chính thức về lao động trẻ em, nhưng có nhiều quy định có liên quan đến lao động trẻ em trong Luật trẻ em và Bộ luật Lao động 2019.

Căn cứ vào pháp luật quốc tế và quốc gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định lao động trẻ em như sau: “Lao động trẻ em” được hiểu là trẻ em và người chưa thành niên làm các công việc trái quy định pháp luật về lao động, tham gia lao động mà hoạt động lao động đó cản trở hoặc tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, nhân cách và sự phát triển toàn diện của các em”.  

04 tiêu chí được xác định là Lao động trẻ em.

Trẻ em và người chưa thành niên là lao động trẻ em nếu vi phạm bất kỳ một tiêu chí nào trong 04 tiêu chí sau đây:

Tiêu chí thứ nhất - Độ tuổi và số giờ làm việc.

Đủ 15 đến dưới 18 tuổi

Không quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần

(mọi công việc, trừ công việc vi phạm tiêu chí thứ ba và tiêu chí thứ tư)

Dưới 15 tuổi

Không quá 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần

(đồng thời thỏa mãn tiêu chí loại công việc và nơi làm việc theo nhóm tuổi)

  Tiêu chí thứ hai – Loại công việc và nơi làm việc (theo nhóm tuổi)

 

Đủ 15 – dưới 18 tuổi

Được tham gia mọi công việc và hoạt động kinh tế, trừ những công việc vi phạm tiêu chí thứ ba (tình trạng lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) và tiêu chí thứ tư (các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất khác) và tiêu chí thứ nhất (độ tuổi và số giờ làm việc).

Đủ 13 – dưới 15 tuổi

Chỉ được làm những công việc nhẹ theo danh mục được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành. Hiện tại, được thực hiện theo Thông tư số 11/2013/TT-LĐTBXH năm 2013 và trong các trường hợp ngoại trừ theo (Điều 5, khoản 3 và Điều 6) Công ước số 138 của ILO và tiêu chí thứ nhất (độ tuổi và số giờ làm việc). 

Dưới 13 tuổi

Chỉ được làm các công việc theo quy định tại khoản 3, Điều 145, Bộ luật Lao động 2019 (các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh và tiêu chí thứ nhất (độ tuổi và số giờ làm việc).

Tiêu chí thứ ba - Tình trạng lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (mọi nhóm tuổi)

Không được phép sử dụng trẻ em và người chưa thành niên làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau đây:

- Những công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi (Quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 147 Bộ luật lao động 2019).

- Người chưa đủ 15 tuổi không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành (Khoản 1, khoản 2, Điều 146 Bộ luật Lao động 2019).

- Những công việc mà tính chất hoặc điều kiện tiến hành có thể có hại cho sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của trẻ (theo Khoản d, Điều 3, Công ước 182 và Khoản 1, Điều 3, Công ước 138 của ILO).

Tuy nhiên, nếu những công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người chưa thành niên này rơi vào các trường hợp ngoại trừ theo Điều 6 Công ước 138 của ILO, và các em được bảo vệ đầy đủ, được hướng dẫn và đào tạo một cách cụ thể và thích đáng theo Khoản 3, Điều 1 của Công ước, thì các em có thể tham gia trong khuôn khổ chương trình giáo dục, đào tạo hoặc hướng nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Tiêu chí thứ tư - Các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất khác (mọi nhóm tuổi).

Không được phép sử dụng trẻ em và người chưa thành niên vào những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất khác sau đây:

- Mọi hình thức nô lệ hoặc tương tự nô lệ, như buôn bán trẻ em, gán nợ, lao động nô lệ, lao động cưỡng bức, trong đó có tuyển mộ cưỡng bức hoặc bắt buộc trẻ em để phục vụ trong các cuộc xung đột vũ trang;

- Sử dụng, dụ dỗ hoặc lôi kéo trẻ em tham gia vào các hoạt động mại dâm, sản xuất văn hóa phẩm khiêu dâm hoặc biểu diễn khiêu dâm;

         - Sử dụng, dụ dỗ hoặc lôi kéo trẻ em tham gia các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt là vào mục đích sản xuất, tang trữ, vận chuyển và buôn bán các chất ma túy như được xác định trong các điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam có liên quan.