[In trang]
Giới thiệu Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2012
Thứ sáu, 01/02/2013 - 10:56
Ngày 20/6/2012 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.

        Luật Công đoàn được thông qua tạo hành lang pháp lý mới cho tổ chức công đoàn hoạt động. Bản tin “Lao động và Công đoàn” Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam xin giới thiệu những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) dưới dạng Hỏi - Đáp.

            Câu 1. Tại sao phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn?

            Sau hơn 20 năm thi hành, Luật Công đoàn năm 1990 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh hẹp; Nhiệm vụ công đoàn rộng, dàn trải, thiếu tập trung; Cơ chế bảo đảm hoạt động công đoàn liên quan đến thời gian hoạt động, bảo vệ cán bộ; kinh phí hoạt động; cơ chế giải quyết tranh chấp, bảo đảm thi hành quyền công đoàn trong các lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn thiếu và bất cập (trong đó: kinh phí không ổn định, thiếu thống nhất, hiệu lực không cao); kỹ thuật lập pháp lạc hậu.

            Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2012 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn năm 1990, đồng thới thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về hoàn thiện, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

            Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về pháp luật lao động và công đoàn (thông qua việc song hành sửa đổi, ban hành Bộ luật lao động năm 2012); góp phần điều chỉnh, phát triển quan hệ lao động lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.

            Câu 2. Sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn lần này dựa trên những nguyên tắc nào?

            Việc sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn được dựa trên các quan điểm, nguyên tắc cơ bản sau:

- Quán triệt sâu sắc và thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng trong các Nghị quyết của Đại hội Đảng, của các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương liên quan đến việc xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” gắn liền với yêu cầu xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh, phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam.

- Việc xây dựng, ban hành phải phù hợp với quy định hiện hành của Hiến pháp; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; đồng bộ với Bộ luật lao động (sửa đổi) năm 2012, bảo đảm tính thông nhất, đồng bộ của pháp luật về công nhân, lao động và công đoàn.

Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 22/2008/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”, góp phần phát triển quan hệ lao động lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Phải được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn 20 năm thi hành Luật Công đoàn năm 1990, bảo đảm sự kế thừa những nội dung tiến bộ, phù hợp của pháp luật công đoàn hiện hành, luật hóa các quy định về công đoàn trong một số văn bản pháp luật đã khẳng định được tính hợp lý trong quá trình thi hành và phát triển thêm những nội dung thuộc quyền, trách nhiệm của Công đoàn, Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cho phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Tham khảo kinh nghiệm và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng pháp luật về công đoàn; bảo đảm các quy định của Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2012 phù hợp với thực tiễn Việt Nam và từng bước phù hợp, tương thích với pháp luật quốc tế.

  Câu 3. Về bố cục và nội dung chủ yếu của Luật Công đoàn (sửa đổi) có gì khác so với Luật Công đoàn năm 1990?

Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 6 chương, 33 điều, tăng 02 chương và 14 điều so với Luật Công đoàn năm 1990. Gồm các nội dung chủ yếu:

- Chương I: Những quy định chung (9 điều).

- Chương II: Quyền và trách nhiệm của Công đoàn và đoàn viên công đoàn (10 điều).

- Chương III: Trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với Công đoàn (3 điều).

  - Chương IV: Những bảo đảm hoạt động của Công đoàn (7 điều).

- Chương V: Giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về  Công đoàn (2 điều).

- Chương VI: Điều khoản thi hành (2 điều).

Câu 4. Luật Công đoàn (sửa đổi) có những nội dung mới nào?

Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2012 có rất nhiều nội dung mới được quy định chặt chẽ hơn so với Luật Công đoàn năm 1990. Trong đó một số điểm đáng chú ý là:

            - Một là: Xác định, điều chỉnh khái niệm - định nghĩa - nhận diện Công đoàn thông qua địa vị pháp lý và chức năng của Công đoàn. Mở rộng năng lực của Công đoàn. Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Công đoàn.

            Theo điều 1, Luật Công đoàn (sửa đổi) địa vị pháp lý và chức năng của Công đoàn được quy định như sau:

Về địa vị pháp lý: Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động… là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về chức năng của Công đoàn: Cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Phạm vi điều chỉnh: Luật Công đoàn 2012 quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; chức năng, quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.

            - Hai là: Tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có nghĩa vụ trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH, cho dù cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã thành lập được Công đoàn cơ sở hay chưa.

            Kinh phí Công đoàn nhằm góp phần bảo đảm hoạt động của Công đoàn – tổ chức đại diện cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp – để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; mặt khác để bảo đảm vai trò của Công đoàn trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hòa hòa, tiến bộ, giáo dục, động viên người lao động thực hiện tốt công việc, góp phần ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm ra nhiều sản phẩm, bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động bình thường và phát triển.

            Khoản đóng góp này đã được thực hiện hiệu quả từ năm 1975 đến nay. Quy định mức đóng góp này hoàn toàn không phải là điều kiện buộc người lao động gia nhập công đoàn nên không trái với nguyên tắc tự nguyện. Vì vậy, việc thu kinh phí công đoàn cần quy định đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở.

            Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho giữ căn cứ để tính mức thu kinh phí công đoàn là quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đối với đối tượng là người lao động không phải đóng BHXH thì quỹ lương trả cho họ không tính là căn cứ để đóng kinh phí công đoàn. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 26 Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định tài chính Công đoàn như sau:

Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:

1. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;

3. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ;

4. Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài".

            - Ba là: Không cho phép lao động là người nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam

            Một trong những vấn đề quan trọng được Quốc hội biểu quyết là vấn đề về quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn của lao động là người nước ngoài (khoản 2, Điều 5 trong dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình ra 02 phương án: Phương án 1: Không quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài. Phương án 2: Người lao động là người nước ngoài làm việc tại đơn vị sự nghiệp doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam mà có tổ chức công đoàn cơ sở, nếu có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và hợp đồng lao động còn hiệu lực từ 06 tháng trở lên thì được gia nhập và hoạt động công đoàn.

            Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua phương án 01 “Không quy định quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn Việt Nam của lao động là người nước ngoài” với 371/469 số phiếu tán thành (chiếm 93,99%). Với kết quả này, Luật Công đoàn (sửa đổi) không cho phép lao động là người nước ngoài được gia nhập Công đoàn Việt Nam.

            - Bốn là: Thêm cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn

            Về việc bảo đảm cho cán bộ công đoàn hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cán bộ công đoàn không chuyên trách vừa phải thực hiện trách nhiệm đối với người sử dụng lao động, vừa có trách nhiệm thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động với tư cách là cán bộ công đoàn. Trong quan hệ với người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn luôn ở vị trí yếu thế. Do đó, Luật Công đoàn cần phải có cơ chế đặc thù để thu hút người lao động tham gia tổ chức công đoàn nói chung và hoạt động công đoàn nói riêng; đồng thời góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ công đoàn không chuyên trách trong quan hệ với người sử dụng lao động. Để bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật lao động (sửa đổi) 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) trong đó có khoản 1 Điều 25 quy định “Trường hợp hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hết hạn mà người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ thì được gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đến hết nhiệm kỳ.”

            - Năm là: Không đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sang Tổng Công đoàn Việt Nam

            Về hệ thống tổ chức và tên gọi của Công đoàn các cấp (Điều 7 của dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi), có ý kiến tán thành với đề xuất đổi tên gọi của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành “Tổng Công đoàn Việt Nam” vì cho rằng quy định như vậy là không phù hợp với Điều 10 của Hiến pháp và quyền quyết định tên gọi của mình của Đại hội Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

            Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự tahor Luật Công đoàn, nhiều ý kiến đề nghị luật đổi tên gọi của tổ chức Công đoàn để khắc phục tình trạng không thống nhất về tên gọi của các cấp công đoàn như hiện nay. Tuy nhiên, tên gọi của Công đoàn thuộc quyền quyết định của Đại hội Công đoàn toàn quốc và được ghi nhận tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

            Hơn nữa, việc quy định tên gọi cụ thể của tổ chức công đoàn trong Luật Công đoàn cũng liên quan trực tiếp đến một số quy định trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ tên gọi “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” trong Luật và đã được Quốc hội thông qua.

            Từ nay đến thời điểm Luật Công đoàn có hiệu lực thi hành (01/01/2013), chúng ta cần làm tốt một số công việc cụ thể như sau:

            - Cần thay đổi nhận thức cho rằng: Luật Công đoàn và việc thi hành Luật Công đoàn là việc riêng của tổ chức công đoàn. Chấp hành pháp luật là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội, tất cả mọi tổ chức và cá nhân đều có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc.

            - Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị và đặc điểm của từng đối tượng tuyên truyền. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các phương tiện thông tin của tổ chức công đoàn.

            - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Công đoàn. Công đoàn phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan thực hiện quyền kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật; gắn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Công đoàn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, Công đoàn kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm.

            - Tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động công đoàn, bảo đảm cho hoạt động công đoàn phù hợp với cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta; đặc biệt là thực hiện có hiệu quả vai trò của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động cũng như vai trò của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc hỗ trợ công đoàn cơ sở và đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở; phát huy hiệu quả việc sử dụng các quyền công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn.

            - Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ công đoàn. Thực hiện nghiêm cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn, nhất là đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách ở các doanh nghiệp.

            Từ nay đến khi Luật Công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực pháp luật (01/01/2013), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ phối hợp với một số cơ quan chức năng xây dựng để trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, gồm: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn; Nghị định quy định về kinh phí công đoàn; Nghị định quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật công đoàn./.