[In trang]
“Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam”
Thứ hai, 20/08/2018 - 15:39
Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Tôn Đức Thắng, ngày 18.8, tại TPHCM, Tổng LĐLĐVN phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo “Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam”. Dự Hội thảo có Chủ tịch TLĐ Bùi Văn Cường, GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải; Phó Chủ tịch TLĐ Trẩn Văn Thuật và nhiều nhà khoa học…

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, việc lựa chọn mình trở thành 1 người thợ, cùng chung cảnh ngộ, cảm thông và chia sẻ đã giúp ông thấu hiểu sâu sắc bản chất tốt đẹp, sức sống và sức mạnh của giai cấp CN; giúp ông rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh để trở thành người khởi xướng thành lập Công hội bí mật, tổ chức tiền thân của CĐ Việt Nam. Ông trở thành người CN thực thụ, chân chính với sự kiên định, vững vàng về lập trường, tư tưởng… Và cũng chính phẩm chất, bản lĩnh của người CN tiên phong đã giúp ông vượt qua những thách thức, nguy hiểm khi hoạt động bí mật cũng như khi rơi vào chốn lao tù…


“Trong cuộc đời mình, đồng chí Tôn Đức Thắng đã kinh qua nhiều cương vị, từ người CN bị áp bức bóc lột, người cán bộ CĐ bí mật, người cán bộ Đảng ở địa phương đến cán bộ cấp cao của hệ thống chính trị cấp trung ương và trở thành nguyên thủ quốc gia, nhưng thủy chung, về tư tưởng, tâm hồn, phong cách, ông vẫn luôn luôn là người CN đích thực” - GS.TS Phùng Hữu Phú nhận định.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho rằng, đồng chí Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cộng sản tiên phong của giai cấp CN Việt Nam đã vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc, sự khốc liệt của chiến tranh, luôn gắn bó với đồng chí, đồng bào, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dù ở cương vị nào, đồng chí vẫn luôn là tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, tinh thần can trường, đức tính giản dị, liêm khiết để các thế hệ noi theo.

Nói về những cống hiến to lớn của Công hội bí mật do đồng chí Tôn Đức Thắng sáng lập, Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho rằng, Công hội bí mật ở Sài Gòn do người thợ máy Tôn Đức Thắng thành lập chỉ hiện hữu trong giai đoạn ngắn (từ năm 1921-1925), ở 1 địa phương (Sài Gòn lúc bấy giờ), với số lượng hội viên chưa nhiều, nhưng có tầm vóc và ý nghĩa riêng, là sự khác biệt, vượt lên trên so với tất cả các hình thức tổ chức của CN trước và cùng thời ở Việt Nam.

Đúc kết lại cuộc đời, sự nghiệp của Bác Tôn đối với giai cấp CN và CĐ, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng: “Có thể rút ra nhiều bài học sâu sắc, thiết thực từ cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trong đó có những bài học sát hợp với CN, CĐ... Đó là bài học về sự gắn bó máu thịt giữa tổ chức CĐ với CN, chú trọng tổ chức, vận động, giáo dục CN, lấy việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của CN làm mục tiêu hành động, làm nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Bài học phát hiện, tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CN ưu tú, tạo nguồn phát triển đảng viên, bổ sung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Bài học giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ CĐ toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, kỹ năng vận động, tổ chức hoạt động thực tiễn để hoàn thành xuất sắc trọng trách trước giai cấp CN”.

Chiều 19.8, đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đã dẫn đoàn về dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tại đây, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đã thành kính dâng hương tưởng nhớ, cùng các cán bộ ôn lại các kỷ niệm về Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng như thăm các kỷ vật gắn liền với Chủ tịch lúc sinh thời đang được lưu giữ tại Khu di tích quốc gia hạng đặc biệt này.