1. Ban cán sự phụ nữ lao động (tiền thân của Ban Nữ công) được thành lập từ rất sớm, quy định cụ thể về công tác nữ công trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam
Năm 1949, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định thành lập Ban Cán sự phụ nữ lao động (tiền thân của Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam hiện nay). Qua 75 năm xây dựng và phát triển, Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Nữ công công đoàn các cấp đã được kiện toàn về tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò tham mưu cho Đoàn Chủ tịch, Ban Thường vụ Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp về công tác vận động nữ CNVCLĐ.
Điều lệ Công đoàn Việt Nam qua nhiều kỳ Đại hội luôn dành một chương riêng quy định về công tác vận động nữ CNVCLĐ, trong đó xác định rõ “Công tác nữ công là nhiệm vụ của Ban Chấp hành công đoàn mỗi cấp, nhằm phát huy vai trò và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ theo quy định của pháp luật”.
Từ cấp Tổng Liên đoàn đến các LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Nữ công, Ban Tuyên giáo – Nữ công được thành lập và có cán bộ chuyên trách công đoàn làm công tác nữ công.
2. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chương trình, chiến lược của Chính phủ liên quan đến lao động nữ, bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em được cụ thể hóa triển khai đến các cấp công đoàn
Nghị quyết đầu tiên của Công đoàn về tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ đã được Ban Chấp hành Tổng Công đoàn khóa II ban hành (Nghị quyết số 02-NQ/TCĐ ngày 25/12/1967) đã xác định rõ vai trò, vị trí của nữ CNVCLĐ và đề ra nhiệm vụ quán triệt công tác vận động nữ CNVCLĐ trong mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, gần đây nhất như: Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ ngày 29/01/2011 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa X) về “Công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” và Nghị quyết 12b/NQ-TLĐ về Ban nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước nhằm đẩy mạnh công tác nữ công và giao nhiệm vụ cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn các cấp trực tiếp chỉ đạo công tác vận động nữ CNVCLĐ.
Các hoạt động cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy và học tập của con CNVCLĐ tiếp tục được triển khai, đặc biệt chính sách về nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân, lao động các khu công nghiệp có chuyển biến tích cực từ nỗ lực của các cấp công đoàn. Thúc đẩy tham mưu triển khai thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhiều vấn đề liên quan đến lao động nữ như các chính sách về lao động, về BHXH, về thai sản; vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo; tham gia đối thoại, thương lượng đưa vào thỏa ước lao động tập thể nhiều chính sách có lợi hơn cho lao động nữ.
Triển khai mô hình tập hợp nữ công nhân lao động ở các khu nhà trọ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các hoạt động chăm lo cho nữ đoàn viên, người lao động, xây dựng gia đình CNVCLĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc như: Biểu dương gia đình công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu, mô hình “Sức khỏe của bạn”, “Lễ cưới tập thể”, “Phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”, “Trại hè cho con công nhân, lao động”, “Tuyên dương con đoàn viên, người lao động học giỏi, rèn luyện tốt” được quan tâm, phát triển nhân rộng.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về giới, bình đẳng giới, chính sách pháp luật lao động liên quan đến lao động nữ và trẻ em. Tham mưu vận động nữ đoàn viên, người lao động tham gia học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quan tâm những nội dung liên quan đến lao động nữ.
3. Vai trò của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành các cấp trong chỉ đạo công tác nữ công quy định Điều lệ Công đoàn Việt Nam
Chương VII: Công tác nữ công
Điều 34: Công tác nữ công “Công tác nữ công là nhiệm vụ của Ban Chấp hành công đoàn mỗi cấp nhằm phát huy vai trò và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, người lao động theo quy định của pháp luật và tổ chức công đoàn”.
Điều 35: Nhiệm vụ công tác nữ công. Ban nữ công công đoàn có nhiệm vụ tham mưu giúp ban chấp hành công đoàn cùng cấp:
Tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ; về giới, bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ; công tác cán bộ nữ; dân số, sức khỏe sinh sản; công tác dân số, gia đình, trẻ em. Tổ chức các phong trào trong nữ đoàn viên, NLĐ. Đại diện tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến nữ đoàn viên, NLĐ và trẻ em. Thực hiện lồng ghép các hoạt động của hội liên hiệp phụ nữ với hoạt động nữ công công đoàn.
4. Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động một phong trào dành riêng cho nữ CNVCLĐ từ rất sớm và ban hành một giải thưởng dành riêng cho nữ đoàn viên, người lao động
Các cấp công đoàn đã phát động và lan tỏa sâu rộng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ.
Giải thưởng “Nữ đoàn viên, người lao động năng động, sáng tạo, trách nhiệm” tôn vinh nữ đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động năng động, sáng tạo, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đóng góp tích cực cho tổ chức Công đoàn.
5. Quan hệ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Điều 4.1) quy định về Hội viên là nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động; Điều lệ Công đoàn Việt Nam (Chương VII, Điều 35): Thực hiện lồng ghép các hoạt động của hội liên hiệp phụ nữ với các hoạt động nữ công công đoàn.
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được các cấp công đoàn tích cực cụ thể hóa, nhiều nội dung quan trọng được lông ghép với hoạt động nữ công công đoàn đạt hiệu quả cao.
Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam