Là một cán bộ khoa học nữ có học vị tiến sỹ và được phong hàm giáo sư khi còn trẻ so với nhiều đồng nghiệp, luôn bận rộn với bộn bề công việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất và xây dựng các đề tài nghiên cứu trên cơ sở ý tưởng khoa học nảy sinh ra từ thực tiễn sản xuất, thời gian đối với chị quý hơn vàng. Song không phải chỉ có công việc-công việc và công việc… Với tố chất và kỹ năng tác nghiệp của một cán bộ nghiên cứu khoa học dày dạn kinh nghiệm, trong điều kiện chồng công tác tại một đơn vị khác tỉnh, chị hợp lý hóa giữa “việc nước – việc nhà ” một cách khéo léo và hiệu quả. Không chỉ có thế, ngoài công tác chuyên môn, chăm sóc tổ ấm gia đình và làm tròn bổn phận người vợ, người con hiếu thảo. Trong gia đình, với vai trò là người vợ, người mẹ, chị đã cố gắng sắp xếp công việc và các mặt hoạt động khác một cách khoa học nhất để có điều kiện chăm lo cho gia định và nuôi dạy con cái. Chính vì vậy sau gần 31 năm công tác và xây dựng gia đình, đến nay gia đình chị đã là một trong những gia đình tương đối thành đạt và hạnh phúc trong Viện. Chồng chị là GS.TS Bùi Chí Bửu, Phó giám đốc Viện hàn lâm Khoa học nông nghiệp Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện KHKTNN Miền Nam, luôn có được sự chia sẻ mọi mặt của chị và gia đình, anh đã được phong tặng danh hiệu \\"Nhân tài đất Việt“, có nhiều cống hiến và đóng góp cho phát triển nông nghiệp của đất nước. Điều đặc biệt là con của anh chị trở thành những đứa con ngoan, hiếu thảo và học giỏi nữa. Gia đình hàng năm đều được công nhận gia đình văn hóa, đạt danh hiệu cha mẹ lao động giỏi, nuôi dạy con chăm ngoan học giỏi. Chị liên tục được công nhận danh hiệu \\"Giỏi việc nước, đảm việc nhà\\" trong giai đoạn 2005-2010, được tặng danh hiệu \\"Nữ CBVC tiêu biểu 5 năm\\" ( 2005-2010), được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen và công nhận danh hiệu \\"\\"Nữ CBVC giỏi việc nước đảm việc nhà\\" giai đoạn 5 năm (2005-2010). Đại hội thi đua yêu nước ngành nông nghiệp và PTNT Việt Nam giai đoạn 5 năm 2005-2010 trao tặng chị danh hiệu điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua của ngành.
Từ 2002 tới 2010, bản thân chị đã có 9 năm liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 03 lần đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp Bộ; được công nhận là điển hình tiên tiến xuất sắc của Ngành Nông nghiệp & PTNT Việt Nam; 03 lần được tặng bằng khen của của Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và PTNT, 01 lần được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ, 01 lần được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 Huân chương Lao động hạng 3; 02 lần được tặng giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam, 02 Giải thưởng Khoa học công nghệ2 lần được nhận Bằng Lao động sáng tạo và 2 Bằng khen Tổng Liên đoàn Lao động VN; 02 Bằng khen của UBND Tỉnh Cần thơ và Hậu Giang; Bằng khen của BCH TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 06 Bằng khen của BCH CĐ Ngành TW, giấy khen của Viện; 04 bằng khen Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh.
Là Trưởng Bộ môn Di truyền chọn giống, chị luôn phấn đấu để vừa hoàn thành xuất sắc công việc vừa lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc công tác nghiên cứu khoa học; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các chương trình khuyến nông. Nhờ đó Bộ môn ngày càng phát triển mạnh hơn. Chị còn là hạt nhân đoàn kết trong đơn vị, được đồng nghiệp tin yêu và quý mến. Luôn gương mẫu và vận động cán bộ công nhân viên trong đơn vị thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chống tham nhũng.
Trong 7 năm gần đây, chị đã chủ trì và tham gia thực hiện 25 đề tài dự án các cấp (chủ trì 21 đề tài và tham gia thực hiện 4 đề tài với vị trí là Chủ nhiệm đề tài nhánh). Trong đó chủ trì 3 dự án cấp Nhà nước, 2 đề tài nhánh thuộc đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài trọng điểm cấp Bộ, 6 đề tài cấp Bộ và cấp tỉnh, 4 chương trình khuyến nông và 2 đề tài hợp tác Quốc tế (IRRI, EEPSEA, Đan Mạch và Thụy Điển). Các đề tài, dự án đều được thực hiện đúng tiến độ. Số đề tài, dự án đã nghiệm thu đều đạt kết quả khá (13) và xuất sắc (12). Được Bộ Nông nghiệp và PTNT Công nhận và cấp 3 Bằng phát minh sáng chế, đồng tác giả được UBND tỉnh Cần Thơ công nhận và cấp giấy chứng nhận có 5 Bằng Giải pháp hữu ích.
Đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn nhiều hội thảo tham quan học tập kinh nghiệm để chuyển giao các quy trình kỹ thuật, công nghệ mới, các chế phẩm sinh học và các giống lúa mới, giống rau mới, quy trình trồng rau, trái cây an toàn… tới bà con nông dân ở các tỉnh.
Để góp phần đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chị đã tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại 6 trường đại học với các chuyên ngành di truyền phân tử, chọn tạo giống cây trồng, tin sinh học, công nghệ gen,di truyền chọn giống, mô học, kỹ thuật di truyền, di truyền số lượng, di truyền phân tử, di truyền quần thể, di truyền nông nghiệp, Anh văn chuyên ngành, tiến hóa và đa dạng nguồn gen… hướng dẫn thành công luận án tốt nghiệp cho 28 cán bộ khoa học, trong đó có 7 tiến sỹ, 21 thạc sỹ, hàng trăm sinh viên thực tập tốt nghiệp. Hiện nay đang hướng dẫn khoa học cho 6 nghiên cứu sinh, dự kiến bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2011, 10 học viên dự kiến bảo vệ thạc sĩ năm 2011; kèm cặp chuyên môn cho các kỹ sư mới được tuyển dụng… tham gia giảng dạy và đào tạo sinh viên, cán bộ nông nghiệp tại một số trường đại học nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan, các nước tiểu vùng Sông Mekong, Banglades…
Chị còn tham gia nhiều Hội đồng chấm luận án tiến sỹ, thạc sỹ tại Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh; tham gia nhiều Hội đồng khoa học tư vấn, tuyển chọn, xét duyệt, thẩm định đề cương và nghiệm thu đề tài nghiên cứu về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật và công nghệ sinh học cấp tỉnh, thành phố và cấp Nhà nước; đã tập huấn đào tạo hàng ngàn cán bộ kỹ thuật ở ĐBSCL về các tiến bộ kỹ thuật trong công tác di truyền, chọn giống các loại cây trồng khác nhau, kỹ thuật thâm canh lúa chất lượng cao, kỹ thuật sản xuất rau an toàn, trái cây an toàn, lúa gạo an toàn...
Chị là tác giả chính và đồng tăc giả viết, xuất bản và công bố nhiều công trình nghiên cứu. Gần đây nhất là: 38 công trình đăng tải trên tạp chí quốc tế có uy tín; 5 Công trình đăng tải trên tạp chí Khoa học công nghệ trong nước, 1 bộ sách xuất bản quốc tế \\"Chiến lược phát triển bền vững lúa gạo khu vực đồng bằng Sông Mekong\\"; 15 bộ sách và giáo trình được xuất bản trong nước.
Ngoài việc tập trung cho công tác nghiên cứu khoa học, chị rất tích cực tham gia các hoạt động chung của Viện Lúa ĐBSCL và các phong trào hoạt động xã hội khác, đặc biệt là các phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Cụ thể trong nhiều nhiệm kỳ đã tham gia vào Ban Chấp hành Đảng ủy của Viện, tham gia Ban Chấp hành Công đoàn (là Chủ tịch Công đoàn) và đảm trách công tác nữ của Viện; luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động phong trào, cùng tập thể cấp ủy, ban giám đốc viện triệt bỏ được các thói hư tật xấu như say xỉn, ăn nhậu, vay mượn tiêu pha không kế hoạch, bỏ bê gia đình vợ con của một số người... góp phần tạo được nền nếp văn hóa công sở, phong trào thi đua rèn luyện sức khỏe, tích cực học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức mọi mặt, tham gia tích cực các hoạt động từ thiện-xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, hạn chế các định kiến phân biệt nam nữ... Do đó đã cùng tập thể CBVC,LĐ đóng góp vào việc xây dựng Viện trở thành đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Năm 2011, Viện được đề nghị xét phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới lần thứ 2 và là một trong những đơn vị có phong trào thi đua dẫn đầu ngành Nông nghiệp và PTNT.
Năm 2011, với những cống hiến xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và cộng đồng, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, giữ vững an ninh lương thực, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, đơn vị... GS.TS Nguyễn Thị Lang đã được Hội đồng thi đua khen thưởng Viện và Bộ Nông nghiệp và PTNT nhất trí giới thiệu Ủy ban Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam xét tặng giải thưởng Phụ nữ Việt Nam cho cá nhân cán bộ khoa học nữ xuất sắc.