[In trang]
Đôi điều ghi nhận từ NĐNC cơ sở
Thứ tư, 10/12/2014 - 10:03
Tại hai cuộc hội thảo với chủ đề “Giải pháp đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động cho ngư dân trên tàu khai thác thủy hải sản xa bờ” tổ chức tại Đà Nẵng và Nha Trang tháng 8/2014, cả trong nội dung chương trình hội thảo và những câu chuyện bên lề có rất nhiều ý kiến, thậm chí là trái chiều vượt ra khỏi chủ đề của hội thảo. Mong rằng những ghi nhận sau đây sẽ góp thêm tiếng nói từ ngư dân với các cấp, các ngành:
\\"\\"
Ảnh: Tàu cá Nghiệp đoàn Nghề cá đảo Lý Sơn chuẩn bị ra khơi

          Chuyện tàu cũ, tàu mới hay thay đổi mô hình sản xuất.

          Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ ra đời đã được nhiều người đánh giá là một cú hích lịch sử, có thể tạo bước phát triển đột phá quan trọng cho thủy sản Việt Nam trong tương lai. Các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên đã thực sự đáp ứng được mong đợi của các địa phương ven biển và lao động ngành thủy sản. Tuy nhiên, có thể chúng ta đã quá đặt nặng vấn đề: giữ lại tàu cũ, hay đóng tàu mới mà đã bỏ quên một vấn đề hết sức quan trọng trong chuỗi hình thành nên sản phẩm của nghề khai thác thủy hải sản đó là sự vận hành và phối hợp giữa ngư dân với ngư dân, giữa tàu cá với tàu cá để đem lại hiệu quả cao nhất cho công cuộc mưu sinh của hàng nghìn chủ tàu và hàng vạn ngư dân.

          Dưới góc nhìn của ngư dân, những người đang trực tiếp khai thác thủy hải sản xa bờ thì yếu tố đầu tiên quyết định đến sự lựa chọn của họ vẫn chính là thu nhập từ nghề để đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình bất chấp nhiều hiểm nguy, rủi ro tiềm ẩn. Những hình thức liên kết, tập hợp ngư dân trong các tổ đội đoàn kết trên biển thời gian vừa qua bước đầu đem lại hiệu quả nhưng chưa triệt để và rõ ràng. Với những người có kinh nghiệm hàng mấy chục năm đi biển, họ vẫn trăn trở vì “nồi cơm” nhà mình và cuộc sống của “bạn thuyền” (chỉ những người cùng làm việc trên một tàu hoặc một nghề trong khai thác thủy sản) để tìm ra biện pháp hữu hiệu đem lại lợi ích cao nhất. Trong nhiều cách làm hay, ở nhiều địa phương thời gian vừa qua đã xuất hiện mô hình liên kết sản xuất của nhóm đoàn viên, ngư dân Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông, thành phố Đà Nẵng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho chủ tàu và ngư dân. Họ, những đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá đã tự nguyện tham gia một nhóm  chung nghề, chung ngư trường từ 5 đến 7 tàu cùng nhau khai thác và phân chia lợi nhuận theo sự thỏa thuận trước giữa chủ tàu với chủ tàu, giữa chủ tàu với ngư dân, tất cả sản lượng khai thác của các tàu trong nhóm được gom lại đến khi nào đủ một chuyến thì dồn cho một tàu chở vào bờ để bán sản phẩm (tất nhiên trên bờ đã có vợ, con và gia đình làm nhiệm vụ giám sát việc tiêu thụ sản phẩm), những tàu còn lại tiếp tục khai thác nếu đủ một chuyến tàu thì một trong số những tàu còn lại sẽ tiếp tục về bờ, những tàu sau khi về bờ tiêu thụ xong sản phẩm lại tiếp dầu, nước, đá, ngư lưới cụ…và ra khơi. Khi mới thực hiện thí điểm tùy theo sản lượng đánh bắt, thì từ 5 đến 7 ngày có một chuyến tàu luân phiên về bến đến nay thời gian rút ngắn lại chỉ còn dưới 5 ngày. Đây là một cách làm hay, sáng tạo rất cần được nghiên cứu, rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng.

           Đến chính sách “hậu phương ngư dân”

          Một đặc điểm rất riêng của ngư dân nói chung là luôn phải làm việc trong một môi trường có cường độ lao động và rủi ro cao, nhưng thu nhập của phần đông ngư dân còn thấp, không ổn định; phần lớn có trình độ văn hóa thấp và không đều…nên việc họ lựa chọn nơi nào (chủ tàu nào) có thu nhập cao là lẽ rất thường. Vì cuộc sống của bản thân và gia đình, họ sẵn sàng “nhảy tàu” từ nơi có thu nhập thấp đến nơi có thu nhập cao bất chấp những rủi ro có thể chờ đón họ ở phía trước. Mặt khác, do thu nhập thấp, không ổn định nên nhiều lúc, nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng khan hiếm lao động có nghề nên đã xuất hiện nhiều tranh chấp lao động giữa các chủ tàu và các địa phương thường xuyên xảy ra, gây nhiều khó khăn cho các chủ tàu có điều kiện sản xuất nhưng không tuyển dụng được “bạn thuyền” nên đành phải cho tàu nằm bến “chờ” lao động.

          Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc tập hợp ngư dân trong các tổ chức nghiệp đoàn, tổ đoàn kết sản xuất, để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ, góp phần đảm bảo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, giải quyết các tranh chấp về lao động và kinh tế; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các hoạt động nghề cá nói chung thì rất cần đến các chính sách an sinh xã hội của nhà nước và các tổ chức xã hội đối với ngư dân, đối tượng đang bị bỏ lọt bởi nhiều và rất nhiều chính sách hiện hành. Một số chủ tàu nhiều kinh nghiệm đã từng nhiều lần nếm trải cảm giác “đãi cát tìm bạn thuyền” thẳng thắn chia sẻ: thu nhập cao đôi khi chưa đủ, chỉ có thể giữ chân lao động bằng những chiếc “lạt mềm” khiến họ không phải lo nhiều về hậu phương như: xây dựng thêm trường học, lớp mẫu giáo, nơi khám chữa bệnh, khu vui chơi văn hóa…với nhiều ưu đãi; hoặc có chính sách chăm lo cho con, em và gia đình ngư dân khi không may gặp phải tai nạn rủi ro thiệt mạng, hoặc mang thương tật nặng trong quá trình sản xuất. Những chiếc “lạt mềm” đó được nhiều người gọi vui là chính sách “hậu phương ngư dân”. Nếu được, chúng ta nên coi họ là những “chiến sỹ” chiến đấu trên biển cả mà nếu không có họ thì những con tàu được đầu tư đóng mới, hoán cải bằng nhiều chất liệu, rất hiện đại có khả năng đi biển xa, đi lâu, mang lại nhiều nguồn lợi cho xã hội mãi vẫn phải đắp mền nằm bờ mà thôi.

           Thay cho lời kết

          Ngoài các chính sách hiện hành, để tránh lặp lại tình trạng Nhà nước vẫn phải liên tục ban hành những chính sách hỗ trợ, đầu tư và an sinh xã hội; các tổ chức tài chính vẫn cung ứng các nguồn vốn vay với nhiều ưu đãi…nhưng ngư dân, những người trực tiếp lao động sản xuất lại là người ít được thụ hưởng có thể xem xét một số vấn đề sau:

          - Cần nghiên cứu, ban hành những quy định điều chỉnh mối quan hệ lao động đặc thù trong khai thác thủy hải sản, đặc biệt là khai thác thủy hải sản xa bờ  như: chế độ HĐLĐ mà chủ yếu là hợp đồng miệng theo chuyến biển hoặc theo vụ để từ đó có chế tài bắt buộc các chủ tàu và người sử dụng lao động trên các tàu cá phải thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn và xử lý vi phạm khi có sự việc xảy ra;

          - Những chính sách đầu tư, ưu đãi của nhà nước với ngư dân nói riêng phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, phải thực sự xuất phát từ người dân, phù hợp với trình độ, nhận thức của họ và phong tục, tập quán của từng địa phương; chỉ khi nào trình độ, nhận thức của ngư dân đã được nâng lên ở mức nào đó mới tiếp tục triển khai ở cấp độ cao hơn;

          - Phải có sự gắn kết giữa các nhà nghiên cứu khoa học chuyên ngành và đa ngành thuộc lĩnh vực thủy sản với các nhà sản xuất (tàu cá, ngư lưới cụ, thông tin liên lạc, dụng cụ bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn…) để đảm bảo phù hợp với đặc thù của lao động nghề cá.