[In trang]
Tọa đàm góp ý dự thảo phiếu và phương pháp đo lường sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động công đoàn (MESATU)
Thứ sáu, 23/12/2022 - 07:15
Ngày 22/12/2022, tại Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Viện Công nhân và Công đoàn phối hợp với Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm để lấy ý kiến vào bản dự thảo Đề án “Đo lường sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động công đoàn” giai đoạn 2023-2028.

Đồng chủ trì buổi tọa đàm có đồng chí Vũ Xuân Thủy- Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam; đồng chí Vũ Minh Tiến- Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn LĐVN, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn. Tham dự buổi tọa đàm còn có các đồng chí cán bộ Viện Công nhân và công đoàn; Lãnh đạo, đại diện các Ban, Văn phòng Công đoàn Ngành, các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Ngành.


Mục tiêu tổng quát của đề án, căn cứ chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “lấy sự hài lòng của người lao động là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn”, từ cơ sở lý luận, cơ sở chính trị- pháp lý và thực tiễn, đề án nghiên cứu đề xuất Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về tiêu chí và phương pháp “Đo lường sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động công đoàn (Measatu) giai đoạn 2023-2028 nhằm đo lường (lượng hóa) sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động của Công đoàn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ công đoàn và đề xuất kiến nghị với Tổng Liên đoàn LĐVN, các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn Ngành TW, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có những giải pháp cụ thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu, ý chí, nguyện vọng của đoàn viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn.


Theo Dự thảo đề án, các yếu tố “đo lường sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động công đoàn” bao gồm 03 nhóm với 11 yếu tố, chủ yếu của hoạt động công đoàn ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp, Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đối tượng điều tra tập trung vào người lao động đã có thời gian tham gia công đoàn trên 3 năm tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các ngành, nghề được lựa chọn điều tra là: Viên chức, giáo dục, y tế, cao su, than khoáng sản, đường sắt, tàu thủy, ngân hàng, điện lực, hàng không, nông nghiệp. Số lượng mẫu đoàn viên điều tra của mỗi tỉnh, ngành dự kiến 400 người.


Tại buổi tọa đàm, đa số các đại biểu đánh giá cao ý nghĩa, mục tiêu, sự cần thiết của Đề án. Các đại biểu đã tích cực đóng góp, trao đổi một số nội dung về tính an toàn, bảo mật của người được hỏi lấy ý kiến, kết quả thông tin số liệu được sử dụng, công bố sau khi điều tra. Các đại biểu quan tâm nội dung đưa trong bảng hỏi cần dễ hiểu, không quá phức tạp, phù hợp với đối tượng người lao động; việc gửi lại các mẫu phiếu cũng cần thuận lợi cho người lao động…