[In trang]
Đại diện lãnh đạo Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam thăm và làm việc với NĐNC cơ sở tại Quảng Bình và Hà Tĩnh
Thứ hai, 01/12/2014 - 11:13
Trong hai ngày 12 và 13/6/2014, đoàn đại biểu đại diện lãnh đạo Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc nắm tình hình hoạt động thực tế của nghiệp đoàn nghề cá cơ sở tại hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Tại cả hai địa phương, đại diện Ban chấp hành nghiệp đoàn nghề cá, đại diện chính quyền và LĐLĐ địa phương đã báo nhanh tình hình hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn với nhận định chung là: việc ra đời và đi vào hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá là một chủ trương nhanh nhạy, đúng đắn của tổ chức công đoàn Việt Nam, góp phần giúp đỡ ngư dân và người lao động trên các tàu cá, đặc biệt là những ngư dân trên các tàu đánh bắt thủy hải sản xa bờ yên tâm lao động sản xuất, giúp đỡ động viên đoàn viên và gia đình lúc gặp khó khăn trên đất liền cũng như trên biển khơi.

\\"\\"

Đồng chí Trần Văn Quý, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam cùng đoàn công tác thăm và tặng quà gia đình đồng chí Nguyễn Thanh Ba , Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

Tại các buổi làm việc, một số kiến nghị của các nghiệp đoàn nghề cá, chính quyền và LĐLĐ địa phương đã được ghi nhận như: tổ chức công đoàn và chính quyền các cấp cần  nghiên cứu và có các hình thức, biện pháp hỗ trợ giúp đỡ hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá cơ sở để nghiệp đoàn nghề cá cơ sở thực sự trở thành mái ấm của bà con ngư dân và người lao động. Trong thời gian gần đây, tình hình biển Đông đặc biệt là tại hai ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của các ngư dân và đoàn viên nghiệp đoàn nhưng nhờ sự tuyên truyền, vận động của Ban chấp hành nghiệp đoàn, của chính quyền địa phương, sự ủng hộ cả về vật chất và tinh thần của người dân cả nước bà con ngư dân và các đoàn viên nghiệp đoàn vẫn yên tâm bám biển lao động sản xuất, tuyệt đối chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên biển để vừa tạo ra của cải vật chất, tăng thu nhập cho người lao động, vừa xác lập chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

 Đại diện các nghiệp đoàn nghề cá, chính quyền và LĐLĐ địa phương cũng kiến nghị Nhà nước và Chính phủ cần sớm có những chính sách, biện pháp đồng bộ, tổng thể mới nhằm đầu tư hỗ trợ ngư dân và các địa phương phát triển sản xuất, ổn định đời sống kinh tế, xã hội một cách toàn diện, bền vững. Đối với những chính sách, biện pháp hỗ trợ ngư dân (đặc biệt là ngư dân đánh bắt thủy hải sản xa bờ) trước khi ban hành cần phải được tham khảo, lấy ý kiến đóng góp trực tiếp của ngư dân và chính quyền ở cơ sở để tránh lặp lại những sai lầm, khiếm khuyết của các chính sách đã ban hành trước đây để ngư dân và lao động ngành thủy sản được trực tiếp tiếp cận những nguồn hỗ trợ của nhà nước, giảm thiểu rủi ro, tránh thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước. Các chính sách, biện pháp hỗ trợ của nhà nước với ngư dân tới đây cần phải gắn với vai trò của các tổ chức chính trị, các tổ chức đoàn thể, xã hội tại địa phương để các nguồn đầu tư trực tiếp đến tận tay người lao động, các đoàn viên, hội viên của tổ chức một cách đầy đủ nhất, loại bỏ các khâu, các tổ chức trung gian trong việc thẩm định đầu tư, quản lý và giám sát đầu tư.

Cũng trong dịp này, đại diện lãnh đạo Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã đến thăm, động viên các đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá, thăm và tặng quà đoàn viên nghiệp đoàn bị bệnh nặng đang phải điều trị dài ngày.