[In trang]
“Công đoàn Việt Nam đang ở thời điểm có tính bước ngoặt”
Thứ hai, 25/07/2022 - 02:18
Trải qua 93 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp cách mạng, thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ), là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2022), phóng viên (PV) Tạp chí Lao động và Công đoàn có bài phỏng vấn đ

PV: Thưa đồng chí, đồng chí có thể đánh giá khái quát về truyền thống của Công đoàn Việt Nam qua 93 năm xây dựng và trưởng thành?

Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam năm nay diễn ra khi các cấp Công đoàn đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; chuẩn bị cho công tác tổ chức đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII. Đây cũng là giai đoạn tổ chức Công đoàn đẩy mạnh các phong trào thi đua vượt khó, cùng cả nước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ “dứt khoát không để lỡ nhịp, không để nước ta tụt hậu”.


Nhìn lại 93 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta hết sức tự hào về Công đoàn Việt Nam, dù bất luận hoàn cảnh nào, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn khẳng định vị trí, vai trò là tổ chức duy nhất có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân và người lao động, là cầu nối giữa giai cấp công nhân và Nhân dân lao động với Đảng, Nhà nước, là thành viên quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều thế hệ cán bộ, đoàn viên, NLĐ đã hy sinh xương máu và đóng góp công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần viết nên trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước của dân tộc, đóng góp vào những thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp cách mạng qua từng giai đoạn lịch sử.

PV: Trong bối cảnh mới, Công đoàn Việt Nam cần có những định hướng gì để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Trong bối cảnh cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khi pháp luật cho phép ra đời tổ chức đại diện của NLĐ tại doanh nghiệp, ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Việt Nam đang ở thời điểm có tính bước ngoặt. Trong bối cảnh vừa có nhiều thuận lợi, vừa có không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ bằng hoạt động cụ thể để NLĐ tin tưởng, gắn bó và chung tay xây dựng công đoàn ngày càng vững mạnh.

Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh và giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh trong thời kỳ mới. Nghị quyết 02-NQ/TW xác định rõ quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Các cấp Công đoàn cần nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động số 02/Ctr - BCH ngày 20/7/2021 của BCH Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tôi nhấn mạnh một số định hướng như:

Một là, đổi mới công tác vận động, tập hợp đoàn viên, NLĐ, đi sâu, đi sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những vấn đề NLĐ quan tâm.

Hai là, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, trước hết là đội ngũ cán bộ chuyên trách và chủ tịch công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, phấn đấu cán bộ công đoàn bảo đảm về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết NLĐ.

Ba là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ.

Bốn là, tiếp tục đổi mới việc phát động, triển khai các phong trào thi đua, làm cho các phong trào thi đua thấm sâu đến từng cơ sở, từng đoàn viên, NLĐ, tạo động lực mạnh mẽ để CNVCLĐ đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Năm là, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, hướng mạnh về cơ sở, phục vụ NLĐ, cấp trên chỉ đạo và hỗ trợ cấp dưới, coi trọng chuyển đổi số.

PV: Năm 2023 sẽ diễn ra đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Những vấn đề gì cần quan tâm trong công tác tổ chức đại hội, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Đại hội công đoàn các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, dân chủ, là ngày hội của cán bộ, đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ.

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17/1/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028, ngày 3/3/2022, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 179/KH-TLĐ tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2023 - 2028) với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”.

Các cấp công đoàn phải quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17/1/2022 của Ban Bí thư về lãnh đạo đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy đảng cùng cấp vào nghị quyết đại hội công đoàn các cấp.

Về thời gian, đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam được tiến hành trong năm 2023, cụ thể: Đại hội công đoàn cấp cơ sở được tổ chức và hoàn thành trước 31/5/2023; Đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được tổ chức sau khi hoàn thành đại hội công đoàn cấp cơ sở và xong trước 31/7/2023; Đại hội công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thực hiện sau khi hoàn thành đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và xong trước 31/10/2023; Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam tổ chức và hoàn thành trước 31/12/2023. Các cấp công đoàn phải có kế hoạch cụ thể để triển khai theo tiến độ này.

Để đại hội công đoàn các cấp thành công tốt đẹp, công tác chuẩn bị tổ chức đại hội cần được triển khai nghiêm túc, kỹ càng, thận trọng. Trước hết, báo cáo trình đại hội phải đánh giá đúng, thẳng thắn, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn. Từ đó, làm rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (chủ quan, khách quan), rút ra bài học kinh nghiệm để nhiệm kỳ tới thực hiện tốt hơn.

Phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ mới phải bám sát chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; hoạt động công đoàn cần tập trung vào đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Đại hội cần tập trung thảo luận các thách thức đặt ra đối với tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới tổ chức và nội dung hoạt động công đoàn, các chương trình đột phá, chương trình hành động mang tính nhiệm kỳ ở đơn vị, ngành, địa phương; bổ sung những nội dung quan trọng cần được các cấp công đoàn quan tâm giải quyết và các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn.

Về công tác nhân sự, ban chấp hành công đoàn các cấp cần có số lượng hợp lý, cơ cấu đảm bảo tính đại diện của đoàn viên theo các lĩnh vực công tác, địa bàn hoạt động, để đáp ứng yêu cầu của việc lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện kịp thời nghị quyết của công đoàn đến với đoàn viên, người lao động. Công tác chuẩn bị nhân sự phải được thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, đúng nguyên tắc, không vì cơ cấu mà làm giảm chất lượng ủy viên ban chấp hành.

PV: Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, đồng chí muốn nhắn gửi gì tới các thế hệ cán bộ công đoàn và đoàn viên, NLĐ cả nước?

Đồng chí Nguyễn Đình Khang: Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tôi thân ái gửi tới các thế hệ cán bộ công đoàn và các anh chị em đoàn viên, CNVCLĐ cả nước lời cám ơn chân thành, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận, biểu dương tinh thần nỗ lực vượt khó của cán bộ, đoàn viên, NLĐ cả nước suốt hơn 2 năm qua trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Các đồng chí đã tô đẹp thêm truyền thống Công đoàn Việt Nam và giai cấp công nhân Việt Nam. Tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, vượt mọi khó khăn, chia sẻ, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động, hăng hái thi đua, đoàn kết sáng tạo tham gia phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị.