Đề tài do TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn làm chủ nhiệm. Số liệu điều tra lao động, việc làm năm 2020 của Tổng cục thống kê cho thấy: Trong tổng số 54,6 triệu lao động của nước ta có tới 25,4% lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Trong số đó, lao động phi chính thức chiếm tỉ lệ 99,9%. Những người lao động (NLĐ) này thuộc nhóm dễ tổn thương, cần được đại diện và bảo vệ do việc làm bấp bênh, không có hợp đồng lao động hoặc chỉ có thỏa thuận miệng, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, không được chủ sử dụng lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, không được chi trả các chế độ phụ cấp, các khoản phúc lợi xã hội khác...
Đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì buổi nghiệm thu. Ảnh: QUANG HÀ
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng như thời gian tới, dự báo lao động trong khu vực phi chính thức có xu hướng tăng lên. Điều này đặt ra rất nhiều vấn đề về lao động cũng như quyền được đại diện, bảo vệ của NLĐ.
“Theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (Khóa XII), nghiệp đoàn cùng với công đoàn cơ sở đều là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam. Nhiều năm qua, các cấp công đoàn đã triển khai thành lập nghiệp đoàn trên quy mô rộng để tập hợp, đại diện và bảo vệ cho nhiều nhóm lao động phi chính thức (hiện đang làm việc ở cả khu vực chính thức và khu vực phi chính thức). Tuy nhiên, quy mô thực hiện vẫn còn khiêm tốn và giới hạn trong một số ít hình thức lao động nhất định.
Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2021 giảm từ 522 nghiệp đoàn (với 42.583 đoàn viên vào năm 2017) xuống còn 519 nghiệp đoàn (với 35.183 đoàn viên vào năm 2021)” - TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Bình trao quà cho các đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: LÊ MAI
Hiện nay, các nghiệp đoàn được thành lập ở 24 nghề khác nhau (nghề cá, nghề xe ôm, bốc xếp hàng hóa, tiểu thương, giúp việc nhà - giữ trẻ…).
Nhóm tác giả đã nghiên cứu quy mô, đặc điểm và những khó khăn của lao động trong khu vực phi chính thức, những yếu tố tác động đến nhu cầu liên kết của NLĐ cũng như thực trạng tổ chức nghiệp đoàn trong khu vực phi chính thức. Từ đó kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm có chiến lược và kế hoạch cụ thể về việc thành lập, nâng cao chất lượng hoạt động của các nghiệp đoàn trong khu vực phi chính thức.
Kết luận tại buổi nghiệm thu, đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị nhóm nghiên cứu đề xuất cụ thể hơn mô hình, tổ chức, hoạt động của nghiệp đoàn cũng như các chế độ, chính sách đối với cán bộ nghiệp đoàn.
Đồng thời xác định rõ đối tượng kết nạp vào nghiệp đoàn, phân tích các mô hình nghiệp đoàn hiện nay. Trên cơ sở đó đề xuất xây dựng và phát triển các mô hình nghiệp đoàn hiệu quả, ổn định, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị…