Đến dự buổi lễ có đồng chí Lê Minh Hoan- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; đồng chí Nguyễn Đình Khang- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đến dự buổi lễ công bố còn có các đồng chí đại diện cho các Bộ, Ngành; các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, lãnh đạo Công đoàn Cơ quan Bộ và lãnh đạo Đoàn thanh niên Bộ, thủ trưởng cơ quan các cơ quan, đơn vị trong Bộ; đại diện một số doanh nghiệp chăn nuôi, thú y lớn trong nước; cùng với các phóng viên các báo, đài trong và ngoài nước.
Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921. Bệnh không lây sang người, chỉ xảy ra trên lợn, có đặc điểm lây lan nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và mọi giống lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường, đường truyền lây phức tạp. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra dịch bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.
Đã hơn 100 năm qua kể từ khi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện, mặc dù có hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến vi rút Dịch tả lợn Châu Phi và phát triển vắc xin của các nhà khoa học được công bố, tuy nhiên, trên thế giới chưa có vắc xin thương mại phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Tại Việt Nam, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xảy ra vào tháng 2/2019, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy trên 6 triệu con lợn, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số CPI năm 2020; đến nay, dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và các doanh nghiệp có tiềm năng, nguồn lực, kinh nghiệm, quyết tâm cao như: Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco, Công ty TNHH MTV AVAC, Công ty Cổ phần tập đoàn Dabaco phối hợp với các nhà khoa học của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tiếp nhận giống vi rút vắc xin, công nghệ và nghiên cứu, sản xuất, đăng ký lưu hành vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi, kết quả cụ thể như sau:
(1) Công ty Navetco:Tháng 9/2020, ngay sau khi tiếp nhận chủng giống ASFV-G-∆I177L, lập lại trong phòng thí nghiệm và ngoài sản xuất. Kết quả: (i) Vắc xin bảo hộ 100% số lợn được công cường độc trong phòng thí nghiệm; (ii) Trong điều kiện sản xuất, vắc xin bảo hộ trên 80% số lợn; (iii) Độ dài miễn dịch đạt 6 tháng đối với lợn thịt từ 8-10 tuần tuổi. Tháng 02/2021, Công ty Navetco báo cáo bằng văn bản kết quả nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin NAVET-ASFVAC. Tháng 3/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT thành lập Hội đồng Khoa học công nghệ để đánh giá vắc xin của Công ty Navetco. Hội đồng gồm 13 thành viên là các nhà khoa học có kiến thức chuyên môn sâu, kinh nghiệm trong nghiên cứu sản xuất vắc xin thú y tại Việt Nam. Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Hội đồng Khoa học công nghệ, báo cáo tham mưu của các cơ quan chuyên môn, Bộ đã chỉ đạo cho phép tổ chức kiểm nghiệm, khảo nghiệm theo quy định.
(2) Công ty AVAC: Từ năm 2020, Công ty AVAC nghiên cứu, sản xuất thành công tế bào dòng DMAC. Tháng 01/2021, sau khi tiếp nhận chủng giống ASF-G-∆MGF, Công ty AVAC đã tổ chức nghiên cứu, sản xuất và đánh giá chất lượng của 03 lô vắc xin.
(3) Công ty Dabaco: Tháng 9/2021, Công ty Dabaco đã tiếp nhận giống vi rút Dịch tả lợn Châu Phi nhược độc chủng ASFV-G-∆I177L/∆LVR và tế bào dòng PIPEC từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Đến nay, Công ty đã nghiên cứu, sản xuất thành công vắc xin DACOVAC-ASF2 nhược độc, đông khô.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập các Hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ và hàng chục cuộc họp, với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và nhà sản xuất vắc xin thú y để nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng các kết quả nghiên cứu khoa học, hồ sơ đăng ký lưu hành vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi của Công ty Navetco.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y thường xuyên trao đổi với các nhà khoa học Hoa Kỳ về quá trình tổ chức nghiên cứu, kết quả đánh giá chất lượng vắc xin. Tháng 5/2022, đại diện các nhà khoa học của Hoa Kỳ đã có văn bản khẳng định những kết quả nghiên cứu, đánh giá chất lượng vắc xin của Công ty Navetco phù hợp, thống nhất với kết quả do nhà khoa học của Hoa Kỳ thực hiện. Cá nhân TS. Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Navetco được Hiệp hội các Phòng thí nghiệm liên bang về chuyển giao công nghệ của Hoa Kỳ trao giải thưởng về kết quả chuyển giao công nghệ và nghiên cứu sản xuất vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi.
Kết quả nghiên cứu, sản xuất vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi của Công ty Navetco đã được công bố trên 2 Tạp chí khoa học uy tín của thế giới (Tạp chí Transboundary and Emerging Diseases và Tạp chí Viruses) và Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y của Việt Nam.
Như vậy, Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất thành công và cấp phép lưu hành 01 loại vắc xin thương mại phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi của Công ty Navetco; dự kiến đến cuối năm 2022 có thể sẽ cấp phép lưu hành thêm 02 loại vắc xin khác để phục vụ công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
“Việc sản xuất thành công vắc xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi là sự kiện lịch sử. Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công, trong đó là sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm, quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành thú y, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin và chúng ta đã chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với các nhà khoa học trên thế giới và các quốc gia, cụ thể là các nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ; sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học trong nước và đặc biệt là sự quyết tâm của các doanh nghiệp tiên phong, có đủ tiềm lực, đầu tư nghiêm túc để nghiên cứu, làm chủ công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin” Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết đối với 1,7 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ từ 1-9 con, một con heo là tài sản có thể quy ra cơm, gạo, rau thịt, quần áo, thuốc men, tấm lợp gia cố cho căn nhà… Do đó, 1,7 triệu hộ nông dân sẽ rất háo hức, trông chờ trước thành tựu của các nhà khoa học Việt Nam. Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý các doanh nghiệp khi thương mại hoá sản phẩm thuốc thú y như vắc xin dịch tả lợn châu Phi thì ngoài mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận hãy vì trách nhiệm xã hội mà cân bằng giữa lợi nhuận và giá thành để người dân dễ tiếp cận, ngành chăn nuôi phát triển vững chãi hơn.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam có thể tự tin sản xuất vắc xin phòng dịch tả lợn Châu Phi đáp ứng được nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm vắc xin. "Đến thời điểm này, chưa có quốc gia nào công bố sản xuất thành công vaccine thương mại. Vì vậy, dư địa xuất khẩu vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi được sản xuất tại Việt Nam sang các nước là rất lớn”.