Khi bắt tay vào triển khai mô hình nông nghiệp tại Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi, tôi và các đồng nghiệp mang trong mình rất nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít trăn trở. Là một ngôi trường chuyên sâu về cơ giới hóa và kỹ thuật, nhiều người đặt câu hỏi: "Liệu trường có thể làm nông nghiệp theo cách khác biệt không?". Và chính từ câu hỏi đó, chúng tôi bắt đầu hành trình đầy thử thách nhưng cũng rất đỗi tự hào này. Mô hình từ những bước đi đầu tiên Tôi còn nhớ rõ ngày đầu tiên, trên mảnh đất Thiện Tân đồi dốc tưởng chừng chỉ toàn cỏ dại và đất khô cằn đá sỏi, chúng tôi dựng lên những khu vườn nho, vườn sâm đầu tiên, lắp đặt hệ thống nước tưới, kiểm tra từng đường ống nước, từng hố ủ phân, đặt từng mầm cây giống… Ai cũng bỡ ngỡ, lo lắng, nhưng cũng tràn đầy quyết tâm. San gạt đồi đất do thầy trò khoa Cơ giới đảm nhiệm, khung lưới, nhà giàn do khoa cơ khí lắp đặt, thiết kế hệ thống năng lượng, tưới nước tự động đã có khoa Điện - Điện tử lo… tất cả mọi việc đều làm được là nhờ có sự đồng lòng quyết tâm.
Những giá trị nhìn thấy từng ngày
Ngày những chùm nho đầu tiên chín mọng, những bông hoa sâm hé nở trong nắng sớm, rồi những luống rau, khu vườn cây ăn quả xanh mướt mọc lên, ngày hệ thống tưới nhỏ giọt hoạt động hiệu quả, tôi nhận ra chúng tôi đang đi đúng hướng. Học sinh sinh viên được tận tay làm việc, hiểu rõ từng quy trình từ trồng trọt, chăm sóc đến thu hoạch. Không còn cảnh chỉ học qua sách vở, các em được “sống” trong môi trường nông nghiệp hiện đại ngay tại trường.
Tôi cũng đặc biệt tự hào với mô hình chăn nuôi thỏ, gà, vịt, ngỗng, heo... hữu cơ kết hợp xử lý chất thải tuần hoàn, giúp giảm thiểu ô nhiễm, tạo ra nguồn phân hữu cơ phục vụ sản xuất. Hay hệ thống aquaponics - kết hợp nuôi cá và trồng rau, không chỉ tận dụng tài nguyên mà còn cho ra sản phẩm sạch, an toàn.
Điều hạnh phúc nhất với tôi là khi thấy học sinh không còn ngại nông nghiệp, không còn nghĩ nghề nông là vất vả, lạc hậu. Các em bắt đầu say mê với việc làm cỏ, trồng cây, ủ phân, chăn nuôi gà vịt; cùng nhau nghiên cứu tìm hiểu hệ thống năng lượng mặt trời, các thiết bị cảm biến môi trường, tự tin điều khiển hệ thống tưới tự động, hiểu được giá trị của từng hạt giống, mầm cây và đến từng giọt nước tưới. Dưới những ánh mắt trong veo ấy đã lấp lánh niềm vui khi thu hái những thành quả lao động và chứa đựng sự cảm thông chia sẻ, lòng biết ơn tới những người nông dân vất vả một nắng hai sương làm ra sản phẩm nông nghiệp mà chúng ta đang tiêu dùng hàng ngày.
Hành trình còn dài nhưng đầy hy vọng!
Để xây dựng một mô hình hoàn thiện, chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Nhưng tôi tin rằng, từng luống rau, từng đàn thỏ, từng giọt nước được tiết kiệm hôm nay là nền tảng cho một nền nông nghiệp thông minh, xanh, bền vững mà Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đang hướng tới. Với tôi, mô hình này không đơn thuần là một dự án kỹ thuật - đó là niềm tin, là tâm huyết và cũng là trách nhiệm với thế hệ học sinh, với ngành Nông nghiệp và với môi trường sống của chúng ta.
"Làm nông nghiệp là làm tương lai", và tôi tự hào khi được góp sức cho hành trình xây dựng tương lai ấy, ngay từ chính ngôi trường mà tôi gắn bó. Và tôi đã chiêm nghiệm được lời mà nhà triết gia người Nhật Masanobu Fukuoka từng nói “Mục đích cuối cùng của nghề nông không phải là trồng trọt mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người”.
https://vcmi.edu.vn/mo-hinh-nong-nghiep-xanh-tai-truong-cao-dang-co-gioi-va-thuy-loi/