[In trang]
Sẽ không ai bị “bỏ lại phía sau”
Thứ ba, 08/07/2025 - 10:03
Trong quá trình thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và các nghị quyết liên quan, nhiều cán bộ Công đoàn chuyên trách ký hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ đang phải chấm dứt hợp đồng.

Thực tế này đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương khi tổ chức bộ máy công đoàn các cấp thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn theo chỉ đạo chung.

Tuy nhiên, cả nước có hàng trăm cán bộ công đoàn chuyên trách, ký hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ – dù đã nhiều năm cống hiến, song vẫn chưa thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ theo các quy định hiện hành.

Điều này khiến không ít cán bộ Công đoàn bày tỏ tâm tư, trăn trở, khi phải rời vị trí công tác trong hoàn cảnh chưa được bảo đảm đầy đủ quyền lợi chính đáng, trong khi bản thân họ suốt nhiều năm trực tiếp đại diện, chăm lo, bảo vệ cho người lao động.

Hôm qua, một tín hiệu tích cực đã xuất hiện.

Ngày 4/7/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 174-KL/TW, trong đó giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách làm việc theo chế độ hợp đồng (hưởng lương và phụ cấp từ nguồn kinh phí công đoàn) chịu ảnh hưởng bởi sắp xếp.

Đây là nội dung quan trọng, thể hiện sự quan tâm sát sao, nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, đồng thời cho thấy những kiến nghị, trăn trở từ tổ chức Công đoàn đã được lắng nghe và ghi nhận một cách trách nhiệm, kịp thời.

Trước đó, ngày 21/5/2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Công văn số 4113/TLĐ-ToC do Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Hùng ký, gửi Bộ Nội vụ, chính thức kiến nghị bổ sung cán bộ Công đoàn chuyên trách ký hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ tại các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và công đoàn cấp trên cơ sở vào nhóm được hưởng hỗ trợ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP.

Tiếp đến, ngày 2/6/2025, Đảng ủy Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Công văn số 102-CV/ĐUTLĐ gửi Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Trung ương, đề xuất bổ sung đối tượng hưởng chính sách theo hai nghị định liên quan.

Trong văn bản, Tổng Liên đoàn dẫn báo cáo của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, cho biết: Trước năm 2005, có 16 cán bộ công đoàn chuyên trách ký hợp đồng lao động chuyên môn; giai đoạn 2005 – 10/2017 là 390 người; từ tháng 11/2017 đến trước ngày 15/01/2019 là 19 người; và từ ngày 15/01/2019 đến nay có 86 người. Tổng cộng, trước thời điểm 15/01/2019 có 425 cán bộ thuộc diện này, trong đó 73 người được cấp ủy tỉnh, thành phố đồng ý cho ký hợp đồng; sau mốc thời gian trên, có 86 người, trong đó 18 người được cấp ủy đồng ý.

Để đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện chính sách và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, Đảng ủy Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Trung ương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép 425 cán bộ công đoàn chuyên trách ký hợp đồng lao động chuyên môn trước ngày 15/01/2019 tại các LĐLĐ tỉnh, thành phố được hưởng đầy đủ chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP.

Văn bản này tiếp nối những nỗ lực âm thầm của Tổng Liên đoàn trong suốt thời gian qua, nhằm đảm bảo chính sách không bỏ sót những người đã đóng góp cho tổ chức.

Đến sáng 23/6/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm có buổi làm việc với Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương. Tại buổi này, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – đã báo cáo Tổng Bí thư về vấn đề trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho cán bộ Công đoàn chuyên trách, ký hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ.

Họ là ai?

Họ không chỉ là những “con số giảm biên chế” trong báo cáo tinh gọn. Đó là anh Nguyễn Bá Mạnh – người dù đã nghỉ việc, vẫn không ngơi nghỉ khi hàng đêm nhận cuộc gọi từ công nhân hỏi về chế độ, luật lao động; là chị Bùi Thị Lý - người từng nói: “Công đoàn là nơi mình học cách thương một người mình không quen biết”; hay chị Trần Thị Phương ở TP Huế, người từng suýt bị đá lở đè trúng trên đường về cơ sở nhưng vẫn chỉ cười: “Mình không đi thì ai đi?”.

Cả ba người chỉ là số ít trong hàng trăm cán bộ Công đoàn chuyên trách hợp đồng từng âm thầm gắn bó với cơ sở suốt 10-20 năm, không ngại khó khăn, hiểm nguy, cũng không chọn lối đi dễ dàng hơn cho cá nhân mình. Họ là người tổ chức Tết sum vầy, là người đứng giữa những tranh chấp để hòa giải, là người tham gia thương lượng để công nhân được tăng giá trị bữa ăn ca…

https://laodongcongdoan.vn/tin-vui-se-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-112116.html?gidzl=ko5nKp4PS2k_ENLGDGPuABWmT54f2dCbzMTrK7aF8Y_tD79HVGaWBA5b9LOiNNLuzMPrKJY_3ZHCDHfpAW